Độc lạ đến phản cảm

Nhiều khán giả nhận xét, âm nhạc hiện đại mau nhớ cũng mau quên, bởi những MV đẹp và trau chuốt về hình ảnh thì ca từ, giai điệu chỉ ở mức bình thường. Người xem bị cuốn hút ở phần nhìn nhiều hơn phần nghe. 

Còn những MV thực sự trọn vẹn về cả thanh lẫn sắc thì khá ít. Cũng vì thế mà nhiều bài hát dù đã ra đời cách đây vài chục năm, nhưng vẫn có rất đông khán giả.

Trên nền tảng công nghệ 4.0, qua công cụ mạng xã hội và các thiết bị số hóa, mỗi MV hay ca khúc mới muốn tung ra thị trường, để thu hút được sự chú ý của công chúng, ngoài việc đáp ứng thị hiếu, ca sĩ và ê kíp còn phải biết cách đưa những yếu tố mới và càng độc, lạ thì càng nhanh chóng có mặt trên bảng xếp hạng, top thịnh hành trên YouTube…

Bởi chính những điều độc, lạ hay thậm chí gây sốc, gây tranh cãi càng làm khán giả tò mò, và mỗi cú click của sự tò mò hay thực sự muốn xem đều giúp các MV nhanh chóng tăng lượng view.

Chưa kể đến nội dung bài hát thế nào, nhiều ca khúc gần đây vừa ra mắt đã gây xôn xao, khiến khán giả không khỏi chóng mặt bởi những tựa đề độc lạ, không giống ai đến lố lăng, phản cảm. Tiếng Việt đa âm sắc, đa thanh điệu và ngữ nghĩa, đặt trong mỗi ngữ cảnh khác nhau, lại mang ý nghĩa khác.

Lợi dụng việc đó mà nhiều tựa đề ca khúc gây ồn ào trong khán giả lẫn giới chuyên môn, như bài hát Như lời đồn. Mặc nhiều ý kiến phản đối từ khán giả lẫn giới âm nhạc, nhạc sĩ và ca sĩ vẫn không thay đổi tựa đề, họ giải thích không nên đọc lái tựa bài hát! Và bất chấp hết những ồn ào, tranh cãi, MV này vẫn đạt mốc 26 triệu lượt xem trên YouTube.

Hay như MV Ơ sao bé không lắc ra mắt cách đây 2 tuần, lượt xem hiện tại ở mức 5,3 triệu và con số này có vẻ vẫn chưa dừng lại. Tựa đề hẳn sẽ khiến nhiều khán giả nghĩ ngay đến ca khúc thiếu nhi Ồ sao bé không lắc, thường được các trường mầm non mở trong lúc tập thể dục. Tuy nhiên, xuyên suốt MV Ơ sao bé không lắc là hình ảnh vũ công lẫn nữ ca sĩ trong trang phục bikini, lắc và uốn éo phản cảm. Có thể giải thích rằng, việc ăn mặc bikini trong MV là phù hợp, bởi phần lớn cảnh quay ở biển.

Tuy nhiên, có cần phải chơi trò đánh lận tên bài hát, nhập nhằng với một ca khúc thiếu nhi như vậy không? Trong khi đó, nhiều từ ngữ khá thô và tục cũng được đưa vào ngay tựa đề bài hát, Anh đ… cần gì nhiều ngoài em là một điển hình. Không chỉ ở tựa đề, mà xuyên suốt bài hát, từ “đ…” liên tục lặp đi lặp lại.

Theo giải thích của tác giả bài hát, anh có thể chọn một từ lịch sự hơn để thay thế, nhưng anh không làm vì giữ nguyên như vậy sẽ trọn vẹn cả cảm xúc lẫn nội dung bài hát! Vậy cảm xúc ở đây là cảm xúc gì và nội dung trọn vẹn là hướng đến điều gì khi để một từ thô và tục như vậy xuất hiện liên tục trong bài hát?

Những MV, ca khúc như trên nhanh chóng thăng hạng bằng việc để công chúng tò mò mà click vào, tất cả là một kế hoạch truyền thông đã được dự tính, hay đơn thuần chỉ là sự khác biệt, độc lạ so với đám đông, có lẽ người trong cuộc sẽ hiểu rõ nhất. Bởi những bài hát, MV kiểu này luôn ở mức triệu view. Nhưng trong cuộc đua đường dài, liệu khán giả có còn nhớ hay hứng thú với những tựa đề bài hát như thế này nữa không, hay đơn thuần người ta chỉ tò mò một chút bởi cái nhan đề lập lờ đánh lận kia.

Tin cùng chuyên mục