Đôi điều về đào tạo và sử dụng cán bộ

Một trong những nội dung quan trọng mà Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 vừa thông qua là “Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Về vấn đề này, điều mọi người đặc biệt quan tâm là làm sao ngăn chặn được tệ tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. 

Con người là chủ thể nhận thức và cải tạo xã hội. Sự thành bại của mọi cuộc cách mạng đều phụ thuộc vào con người. Một cá thể (con người) không thể đủ sức biến khát vọng, ước mơ thành hiện thực mà phải huy động và phát huy được sức mạnh tổng hợp mới khả thi dẫn đến thành công. Điều đó mang tính lý luận. Còn thực tiễn, không phải thời nay mà từ xa xưa, cha ông ta đã có kinh nghiệm thu hút và trọng dụng người tài. Người tài được hiểu là người có tâm, có tầm, có sức khỏe để cống hiến cho dân, cho nước. Nhưng thực tế, thời đại nào cũng có mặt trái của nó. Từ chiếu vua ban trước đây, chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước hiện nay đến thực tiễn vận hành ở cơ sở vẫn có một khoảng cách rất lớn. Cách đây cả ngàn năm, cha ông ta đã có những biện pháp khả thi để thu hút và trọng dụng người tài. Có thể mỗi thời hình thức tuyển chọn và sử dụng người tài khác nhau, nhưng đều chung mục đích phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng những người có tâm, có tài đặng phục vụ nhân dân, đất nước. 

Đi đôi với thể lệ thi tuyển, bổ quan, tiến cử, tự tiến cử..., cha ông ta đã đề ra các luật lệ để ngăn chặn điều xấu, kéo bè, kéo cánh mà nay gọi là vụ lợi,  tham nhũng, lợi ích nhóm. Luật Hồi tỵ, Luật Hồng Đức... cách đây mấy trăm năm, ông cha ta đã đề ra các thiết chế như muốn làm quan phải qua thi cử một cách công minh; Không bổ những người đỗ đạt về làm quan ở quê nhà người đó; Không cho phép các quan đầu cấp tuyển dụng người nhà, người cùng quê vào phục vụ công đường nơi mình cai quản.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, cách đây gần trăm năm, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại lớp bồi dưỡng cán bộ của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925), Bác Hồ đã đưa ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì phải đủ tâm, đủ tầm để đảm đương nhiệm vụ thời cách mạng còn sơ khai với vô vàn khó khăn, thách thức. 

Triển khai tư tưởng của Người, suốt 12 kỳ đại hội, kể từ ngày thành lập, Đảng ta luôn bám sát thực tiễn cách mạng đề ra nghị quyết lãnh đạo công tác cán bộ. Nhưng, như đã nói ở trên, từ nghị quyết đến hiện thực cuộc sống vẫn có khoảng cách khá xa. Nạn bè phái, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, thời kỳ nào cũng có. Chi bộ họ ta, ban chấp hành làng ta, ban giám đốc nhà ta... không chỉ xảy ra một nơi. Thậm chí họ còn lợi dụng “lớp cha trước, lớp con sau” để dùng ngân sách nhà nước đưa con cháu, người thân đi học ở nước ngoài; sau đó tìm mọi cách gài vào bộ máy công quyền; tạo ra nhóm lợi ích nhằm thực hiện mục đích vụ lợi, chuẩn bị “sân sau” trước khi mãn nhiệm kỳ hoặc về nghỉ hưu. 

Để ngăn chặn những điều xấu có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác cán bộ. Tiếp theo Nghị quyết 11/TW ngày 25 tháng 1 năm 2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ, ngày 7 tháng 10 năm 2017, thay mặt BCH TƯ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98 về luân chuyển cán bộ trong tình hình mới. Đặc biệt, việc này vừa được Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 bàn thảo sôi nổi và ra nghị quyết với những chủ trương, biện pháp thiết thực. 

Song, để nghị quyết đi vào cuộc sống, nhất là nhanh chóng ngăn chặn nạn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cần làm tốt một số việc. Trước hết, phải nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp lý, quy định cụ thể, phù hợp việc phát hiện, đào tạo và sử dụng cán bộ. Phải công khai minh bạch trong việc tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Đừng để “lọt lưới” những cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược vừa bị xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước như vừa qua. Nên chăng cần kiểm tra và truy cứu trách nhiệm các tổ chức và cá nhân tiến cử, giới thiệu người vào các vị trí trọng trách không đúng tiêu chuẩn để xảy ra hệ lụy trên (?!). 

Thứ hai, cần nhanh chóng triển khai quyết liệt nghị quyết, quy định về công tác luân chuyển cán bộ. Luân chuyển cán bộ không phải là việc cử cán bộ đi thực tế “chấm cơm”, “gõ kẻng” để “hồi cung” đảm nhiệm chức vụ lớn hơn; mà là một giai đoạn thực thi nhiệm vụ thực sự. Nhanh chóng triển khai việc không cơ cấu vị trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền (cấp huyện, tỉnh) với cán bộ tại quê hương mình.

Thứ ba, cần có quy chế rõ ràng, dứt khoát xử lý vi phạm. Áp dụng các biện pháp thiết thực như cách chức, miễn nhiệm, buộc từ nhiệm... với những ai không còn đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực đảm đương nhiệm vụ.

Thứ tư, cần mở rộng “mặt trận” chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; trong đó chú trọng cơ sở. Trong Đảng lấy chi bộ, ngoài dân lấy tổ dân phố, đội sản xuất, khu dân cư làm cơ sở để phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sự giàu có, thăng tiến bất thường của cán bộ, đảng viên và những người trong bộ máy công quyền. 

Cuối cùng, cần tạo hành lang pháp lý và có cơ chế bảo vệ, khen thưởng những người phát hiện, tố cáo đúng các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; trong đó có các cơ quan báo chí và nhà báo.

Tin cùng chuyên mục