Đổi đời trẻ khuyết tật

“Không chỉ giúp thay đổi cuộc sống những đứa trẻ bất hạnh, Oliver Oet còn là người truyền lửa cho chúng tôi bằng tấm gương kiên trì theo đuổi công việc thiện nguyện dù có khó khăn đến mấy”, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng (TP Huế), nhận xét về nghệ nhân Oliver Oet.
Nghệ nhân Oliver Oet truyền dạy kỹ năng làm gốm Raku cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hy Vọng
Nghệ nhân Oliver Oet truyền dạy kỹ năng làm gốm Raku cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hy Vọng

Giúp trẻ hòa nhập cộng đồng

Nghệ nhân gốm Oliver Oet (62 tuổi) đến từ thủ đô Paris (Pháp), mang theo kỹ thuật làm gốm Raku của Nhật Bản đến dạy cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hy Vọng, với hy vọng giúp trẻ kém may mắn vươn lên hòa nhập cộng đồng và tự trang trải cuộc sống bằng sức lao động của chính bản thân.

Ông nói: “Tôi làm theo trái tim mách bảo, vì Việt Nam đã cho tôi quá nhiều cảm xúc”.

Nhân duyên đến với nghệ nhân Oliver Oet khi gia đình ông đang tổ chức ngày hội cho trẻ em khuyết tật trên đường phố Paris 7 năm trước. Lúc đó, một phụ nữ chủ động gặp ông, tự giới thiệu bà là người Pháp gốc Việt và đề nghị ông giúp đỡ trẻ em khuyết tật Việt Nam. Cảm động trước ước muốn cao đẹp của người phụ nữ nặng lòng với quê mẹ nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện, Oliver Oet đã bàn bạc với gia đình và quyết định tổ chức hỗ trợ cán bộ của những trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Việt Nam, trong đó có cán bộ đến từ Trung tâm Hy Vọng, qua Pháp học làm gốm Raku, bắt đầu hoạt động giúp đỡ trẻ khuyết tật Việt Nam. Tiếp đó, Oliver Oet cùng vợ dành ít nhất 3 tuần đến Trung tâm Hy vọng ở TP Huế trực tiếp tìm hiểu và dạy các em ở đây kỹ thuật làm gốm Raku.

Giám đốc Trung tâm Hy Vọng TP Huế kể: “Để thực hiện dự án giúp trẻ em khuyết tật tại trung tâm bằng việc truyền dạy kỹ thuật làm gốm Raku, 3 năm đầu Oliver Oet đã bỏ tiền túi sắm sửa các trang thiết bị phục vụ cho dự án. Năm 2015, ông vận động bạn bè và người thân thành lập một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, mà trước mắt là hỗ trợ Trung tâm Hy Vọng TP Huế. Tổ chức này mang tên Ateliers Vincent Marie Oet (AVMO), hiện có 60 thành viên”.

Giới thiệu Việt Nam qua sản phẩm của trẻ khuyết tật

Oliver Oet đâm ra “say” Huế, “say” Việt Nam hơn từ cơ duyên của việc làm này. Hễ ai có nhu cầu đi du lịch, Oliver lại gợi ý đến Việt Nam và ghé Huế tham gia tour trải nghiệm gốm Raku cùng các trẻ em khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, AVMO đã triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Trong đó, ấn tượng nhất là vào các dịp lễ Giáng sinh, tại du thuyền của gia đình Oliver Oet trên sông Seine, AVMO tổ chức Ngày đoàn kết Pháp - Việt. Ở đó, những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam, những sản phẩm do chính tay các em nhỏ khuyết tật của Trung tâm Hy Vọng được Oliver Oet - với tư cách là người đại diện AVMO - giới thiệu và chia sẻ. Đó cũng là dịp quan khách được thưởng thức các món ăn Việt Nam do đích thân Oliver Oet vào bếp trổ tài”.

Gặp chúng tôi, ông Oliver Oet chia sẻ: “Gốm Raku xuất phát từ Nhật Bản nhưng lại rất thịnh hành tại Pháp. Với người khuyết tật, nghệ thuật sẽ giúp họ sáng tạo theo suy nghĩ riêng. Là nghệ nhân gốm Raku, tôi muốn giúp các em khuyết tật Việt Nam theo cách đó”.

Thật vậy, sau một thời gian mở lớp và truyền nghề cho các trẻ khuyết tật, từ năm 2014, xưởng gốm Raku do nghệ nhân Oliver Oet sáng lập tại Trung tâm Hy Vọng đã kết nối và mở được tour du lịch trải nghiệm làm gốm Raku với trẻ em khuyết tật, thu hút ngày một nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Chị Trần Thị Minh Nhật, cán bộ Trung tâm Hy Vọng, cho biết: “Trung bình mỗi tháng trung tâm đón 5 - 6 đoàn khách; riêng tháng 8-2017 có tới 20 đoàn khách đến từ các nước châu Âu”. 

Ông Oliver tiết lộ: “Năm 2018, thay vì du khách trải nghiệm gốm Raku tại xưởng ở Pháp, tôi sẽ giới thiệu họ qua Việt Nam du lịch và trải nghiệm tại Trung tâm Hy Vọng TP Huế”.

Tin cùng chuyên mục