Đòi hỏi bức thiết trong công tác cán bộ

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào hôm nay 23-10 là kỳ họp cuối năm của Quốc hội, hứa hẹn sẽ được quan tâm đặc biệt bởi nhiều vấn đề nổi cộm.
Theo thông lệ, đối với những kỳ họp cuối năm, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, Quốc hội tập trung thời gian cho việc thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các năm tiếp theo. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự. Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ. Đây cũng là vấn đề mà dư luận hiện nay đặc biệt quan tâm bởi vừa qua công tác cán bộ có nhiều bất cập.

Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo về tình hình xử lý các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua liên quan đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, kê khai tài sản và việc xử lý những trường hợp có sai phạm và đã bị kỷ luật về Đảng. Vừa qua, các cơ quan Đảng và Nhà nước đã quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xem xét và xử lý nghiêm minh những người có hành vi tham nhũng, giữ vững kỷ cương, pháp luật. Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với cán bộ là Ủy viên Trung ương vừa qua là bài học sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.

Cử tri đau lòng trước những cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao vi phạm phải xử lý kỷ luật. Nhưng qua đó cử tri lại rất yên tâm, tin tưởng vào tinh thần quyết tâm đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả. Hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự. Một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước nhưng chưa có phương án giải quyết và xử lý kịp thời; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp; việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế. 

Đặc biệt, cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương. Đây là bức xúc lớn nhất hiện nay của cử tri và nhân dân cả nước, và chắc chắn nghị trường Quốc hội lần này cũng sẽ “nóng” vấn đề này. Bởi gần như chưa bao giờ, vấn đề cán bộ lại được quan tâm như thời gian qua, khi mà hàng loạt các cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật. Cử tri, nhân dân mong mỏi vô cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành cần quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện “suy thoái”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. 

Cử tri và người dân trông đợi Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn của Nhà nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong quản lý, thực thi nhiệm vụ. Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, tạo cơ chế để phát huy tích cực vai trò của báo chí và nhân dân thực hiện giám sát. Cùng với đó, quyết liệt việc tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, đơn vị và thủ tục hành chính. Thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ, tập trung vào việc rà soát về tiêu chuẩn, chứng chỉ, bằng cấp và việc tuân thủ quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành. Triển khai nghiêm túc việc tuyển dụng cán bộ, công chức; đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định. Người dân đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành có liên quan hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra những sai phạm. Đồng thời, kết quả xử lý đó phải được công khai cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân biết để giám sát. Đó chính là đòi hỏi bức thiết của nhân dân lúc này.

Trong bối cảnh hiện nay, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về một số vấn đề như nợ công cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả gây thất thoát lớn. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập ở các thành phố lớn chưa được xử lý hiệu quả. Nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập… Đó đều là những vấn đề đã gây nhiều bức xúc, tâm tư trong nhân dân thời gian qua, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Có nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng qua nhiều kỳ Quốc hội, khiến một bộ phận cử tri cảm thấy bất an. Chúng ta hy vọng kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiếp nối quyết tâm chính trị cao của Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị và xem xét xử lý cán bộ… để giải quyết thỏa đáng những kỳ vọng, mong mỏi của cử tri.

Tin cùng chuyên mục