Đổi mới căn bản và toàn diện tư duy giáo dục

Đổi mới căn bản và toàn diện tư duy giáo dục

Giáo dục bất cứ nước nào cứ sau một thời gian là phải có những thay đổi lớn, phải đổi mới về nội dung, về phương pháp… để phù hợp với tiến bộ của thời đại vì sản phẩm của giáo dục là con người được kịp thời trang bị hành trang hiện đại để sống hạnh phúc nhất, lao động hiệu quả nhất trong thời đại của mình. Người ta gọi đó là Cải cách giáo dục. Giáo dục Việt Nam cũng phải theo quy luật đó.

Thu nhập của giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Ảnh: Mai Hải

Thu nhập của giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Ảnh: Mai Hải

Nét đặc biệt ở Việt Nam lần này là đổi mới GD-ĐT một cách căn bản và toàn diện, nghĩa là tận gốc và trên tất cả các mặt. Điều này phản ánh là GD-ĐT VN đang ở trong một tình thế rất đặc biệt và xã hội đã ý thức được rằng GD-ĐT VN không thể cứ tiếp tục theo lối cũ lâu nay nữa, rằng phải tạo ra bước đột phá mới trong cách làm giáo dục.

Giáo dục Việt Nam muốn đổi mới căn bản và toàn diện phải cấp bách tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề nóng bỏng như: tại sao việc học trong nhà trường đang trở nên cơn ác mộng với không ít học sinh, khiến học sinh sợ học; tại sao giáo viên khó tận tâm với nghề; tại sao không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm; tại sao cha mẹ học sinh rất băn khoăn về tương lai học hành và nên người của con em mình và sẵn sàng đưa con đi “tị nạn giáo dục” khi có điều kiện; tại sao đạo đức xã hội ngày một xuống cấp, tội phạm càng ngày càng trẻ hóa, mức độ tội ác ngày càng trầm trọng hơn; làm sao nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam để có thể nhanh chóng chuyển từ mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu…

Để giải đáp tất cả những câu hỏi lớn đó, phải có cách tiếp cận đa chiều và đa tầng, tư duy một cách hệ thống, xem xét cả nguyên nhân bên trong và quan trọng hơn nữa là bên ngoài lĩnh vực giáo dục rồi mới đi tìm giải pháp. Có vậy mới đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được, mới khiến giáo dục đào tạo hồi sinh mạnh mẽ được.

Tuy nhiên xét riêng lĩnh vực giáo dục thì cũng đã có thể tìm được phần nào manh mối để đổi mới GD-ĐT. Lâu nay, chúng ta vẫn giương cao khẩu hiệu “phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” nhưng tiếc thay bao năm rồi, đó cũng vẫn chỉ là khẩu hiệu, không hơn không kém. Xin đừng dựa vào các con số mà ông Vụ trưởng Bộ kế hoạch tài chính của Bộ GD-ĐT đưa ra là “trong vòng 12 năm qua (từ 1998 - 2010), Nhà nước tăng dần đầu tư GD-ĐT từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước (và) với tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới…”(1) để cho rằng GD-ĐT đã được đặt làm quốc sách hàng đầu rồi.

Xin đừng nhìn vào chế độ phụ cấp ưu đãi cho người đang trục tiếp giảng dạy là 35% mà nói rằng GD-ĐT đã được ưu đãi quá rồi. Xin hãy đối chiếu thực tế trường lớp tồi tàn đang tồn tại ở bất kỳ địa phương nào trong nước với các trụ sở này, dinh thự nọ. Xin hãy so sánh mức thu nhập của giáo viên với thu nhập của các ngành khác.

Theo báo cáo của Sở LĐTB-XH Hà Nội, trong năm 2011, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đạt mức lương bình quân là 3,98 triệu đồng mỗi tháng; khối doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp - là 4,65 triệu đồng mỗi tháng, đơn vị đạt mức cao nhất là 7,7 triệu đồng, nơi có lương bình quân thấp nhất là 2 triệu đồng mỗi tháng, người có mức lương cao nhất đạt gần 45 triệu đồng(2).

Trong khi đó, theo số liệu được công bố vào tháng 7-2012 của Đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước do Quỹ Hòa bình và phát triển VN thực hiện, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, thì “thu nhập bình quân từ lương và các khoản phụ cấp theo lương của giáo viên Tiểu học, THCS, THPT trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Khoảng 50% giáo viên các cấp hưởng dưới mức bình quân này”.

Mới đây, Ủy ban Tài chánh và ngân sách của Quốc hội sau khi nghiên cứu đề nghị của Chính phủ, nghe nhiều cuộc tranh luận trong Thường vụ Quốc hội cuối cùng đã nhất trí đề nghị phương án nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhâp cá nhân từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Đây là mức có thể chấp nhận được trong tình hình hiện nay. Phương án mới đề nghị này càng làm nổi rõ một nghịch lý bi hài là hóa ra rất đông giáo viên hiện đang lãnh mức lương - kể cả phụ cấp nghề nghiệp - dưới mức… người sống phụ thuộc.

Nói cách khác giáo viên đã thành chủ gia đình rồi mà đi dạy có thu nhập còn thấp hơn số tiền 3,6 triệu đồng/tháng mà một người sống phụ thuộc cần có! Nếu người phụ thuộc cần đến 3,6 triệu đồng/tháng thì một giáo viên đi dạy học, là lao động chính trong gia đình cần thu nhập bao nhiêu để gia đình mình đủ sống một cách tằn tiện nhất? Cần ít nhất 3 lần mức 3,6 triệu đồng vì giáo viên phải nuôi chí ít 1 con và phụng dưỡng cha hay mẹ già, nghĩa là cần khoảng 11 triệu đồng/tháng!

Thử hỏi hiện có bao nhiêu phần trăm giáo viên từ mầm non đến Đại học ký nhận lương và phụ cấp tại trường mình đang công tác được từ 11 triệu đồng trở lên khi lương cấp bộ trưởng cũng chỉ có hệ số 10, nghĩa là 10,3 triệu đồng/tháng (chưa kể phụ cấp và thu nhập khác)? Vậy thì thử hỏi làm sao số đông giáo viên có thể an tâm cống hiến cho nghề, không ngừng nâng cao trình độ, thử hỏi làm sao ngành sư phạm có thể thu hút người tài vào được, làm sao người tài trong ngành giáo dục lại không sẵn sàng rời bỏ nhà trường khi có cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn, làm sao có thể chống học thêm dạy thêm, chống lạm thu có hiệu quả được?

Để giải quyết được bài toán hóc búa này, phải đổi mới căn bản và toàn diện lối tư duy làm giáo dục, làm kinh tế giáo dục, thoát khỏi vòng trói của lối nghĩ rằng nâng lương cho hơn 1 triệu giáo viên là nâng lương cho 80% đội ngũ công chức hành chính sự nghiệp, là việc làm vượt quá khả năng của ngân sách nhà nước để rồi chịu bó tay mà gác lại vô thời hạn ngày giáo viên sống được bằng lương.

Tuy nhiên làm cho giáo viên sống được bằng lương cũng chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để nền giáo dục VN hồi sinh mạnh mẽ. Còn nhiều việc quan trọng khác, trong đó có việc phải xem xét lại triết lý giáo dục, mà trước hết là xem xét sứ mạng và tính chất của GD-ĐT Việt Nam. Sứ mạng lâu nay được xác định cho GD-ĐT là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, tính chất của nó được xác định là “nền GD XHCN có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng”(3).

Xét về mặt học thuật từ góc độ triết học về con người lẫn từ góc độ giáo dục học, xét cả về mặt thực tiễn suốt mấy chục năm qua, có nhiều nội dung trong sứ mạng, tính chất của giáo dục được xác định như trên là đang có vấn đề, có nội dung phải thay đổi hay bãi bỏ, có nội dung phải được nhận thức lại cho đúng, cho đầy đủ hơn.

Về sứ mạng của giáo dục, cần hiểu dân trí một cách đầy đủ, sâu sắc hơn. Không thể cứ dựa vào tỷ lệ biết đọc viết, số năm học trung bình của dân cư, số sinh viên trên 10.000 dân, hay tỷ lệ khu phố văn hóa được công nhận… mà xét dân trí cao hay thấp. Dân trí còn là và chủ yếu là thái độ, kỹ năng và thói quen con người ứng xử với nhau trong xã hội và gia đình, cư xử với môi trường và với chính mình. Ứng xử một cách có văn hóa, một cách văn minh thì thể hiện dân trí cao hơn, còn ứng xử vô văn hóa, theo luật rừng thì thể hiện dân trí thấp hơn. Xét theo tiêu chí này thì một người dân thường ít chữ vẫn có thể có dân trí cao hơn một quan chức hay ông tiến sĩ.

Có nhận thức như vậy thì giáo viên mới giác ngộ được mục đích thực sự của hoạt động dạy học của mình mà cụ thể hóa trong từng tiết lên lớp, trong từng tiếng nói, cách xử sự trong và ngoài nhà trường, mới xác định được hiệu quả thật của những nỗ lực âm thầm và bền bỉ của mình. Khi đó nhà nước và xã hội mới thấy được hiệu quả thực sự, hiệu quả sâu xa của giáo dục đào tạo, khi đó đất nước mới được hưởng quả ngọt do giáo dục đem lại.

Về tính chất của giáo dục, cần bổ sung và đặc biệt coi trọng tính Khai sáng. Nhiệm vụ chính trị đầu tiên, căn bản và muôn đời của giáo dục là tạo điều kiện cơ bản ban đầu để con người biết cách sống hạnh phúc, đúng với phẩm giá con người trong suốt cuộc đời mình. Khai sáng chính là thuộc tính của một nền giáo dục thật sự vì con người, vì sự phát triển bền vững của con người, là mục đích tối thượng của giáo dục. Khai sáng con người để người học nhận biết đâu là phải trái, biết cách tự khai phá và phát huy tiềm năng của chính mình, tự định hướng lấy cuộc đời mình mà sống hạnh phúc, không phải dựa dẫm vào lòng từ thiện của ai đó, không làm nô lệ cho ý muốn của người khác.

Khai sáng là “cú hích ban đầu” để tạo cho người học có quán tính học tập mà ham học và học suốt đời. Do vậy tính chất Khai sáng- chứ không phải một tính chất nào khác- phải là tính chất đầu tiên của một nền giáo dục chân chính, vì con người. Khai sáng phải được viết trang trọng và đầu tiên, ghi bằng chữ vàng trong tính chất của nền GD-ĐT Việt Nam.

Giáo dục khai sáng đối lập hoàn toàn với giáo dục nhồi sọ, bắt con người học “chữ” đến mụ mị, bắt con người thừa nhận chân lý một cách mù quáng, tôn thờ nó thành bất biến, khiến con người thành một robot tinh xảo được lập trình chi tiết. Một nền giáo dục khai sáng sẽ chú trọng dạy cách học và cách tự học, sẽ “nâng cao và hướng dẫn việc tự học” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở (4) mà không chạy theo số lượng năm học hay nội dung dăm chữ ghi trên mảnh bằng. Một nền giáo dục khai sáng sẽ trọng việc dạy cách làm người hơn nhồi nhét kiến thức để thi đậu.

Một nền giáo dục khai sáng sẽ phải loại bỏ những nội dung học một thời rất hữu ích nay đã trở thành vô bổ, lạc hậu, phản khoa học, sẽ yêu cầu kịp thời bổ sung những nội dung thiết thực, cơ bản, khoa học, hiện đại để người học có thể tiến cùng thời đại.

Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT phải bắt đầu bằng việc đổi mới căn bản và toàn diện tư duy giáo dục để nâng mình lên một tầm nhìn cao hơn. Điều quan trọng hơn là đổi mới không chỉ trong giáo dục đào tạo mà thôi và đổi mới trong lĩnh vực này phải đồng bộ với những đổi mới trong các lĩnh vực khác. Nhưng phải làm, nhất thiết phải làm và không được dừng lại nửa vời vì đây là một cuộc đổi mới vì tương lai của dân tộc.

TS Hồ Thiệu Hùng
4-10-2012

----------------------

(1) Báo Dân Trí 30-4-2010.

(2) vnExpress.net 6-1-2012.

(3) Điều 3 và 9, Luật GD sửa đổi 2010.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 6, trang 50, NXB Chính trị quốc gia, H.2000.

Tin cùng chuyên mục