Đổi mới chính sách, phát triển doanh nghiệp ngành cơ khí

Có một bất hợp lý trong chính sách thuế hiện nay, đó là sản phẩm cơ khí chế tạo nhập khẩu thì được hưởng mức thuế suất 0%, trong khi sản phẩm sản xuất trong nước bị đánh thuế 10%. Chưa kể, ở một số sản phẩm sử dụng thép nhập khẩu, mức thuế suất bị đánh cao hơn với lý do bảo hộ thép trong nước. Đó là nguyên nhân mấu chốt khiến doanh nghiệp (DN) cơ khí muốn lớn cũng không lớn nổi.
Đổi mới chính sách, phát triển doanh nghiệp ngành cơ khí

Có một bất hợp lý trong chính sách thuế hiện nay, đó là sản phẩm cơ khí chế tạo nhập khẩu thì được hưởng mức thuế suất 0%, trong khi sản phẩm sản xuất trong nước bị đánh thuế 10%. Chưa kể, ở một số sản phẩm sử dụng thép nhập khẩu, mức thuế suất bị đánh cao hơn với lý do bảo hộ thép trong nước. Đó là nguyên nhân mấu chốt khiến doanh nghiệp (DN) cơ khí muốn lớn cũng không lớn nổi.

10 năm kiến nghị vẫn không thay đổi

Khảo sát thực tế trên 314 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo do Trường Đại học Kinh tế TPHCM thực hiện cho thấy, gần 100% DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, không đồng bộ dây chuyền sản xuất. 73% DN chỉ có thể chế tạo ra những thiết bị đơn giản, sửa chữa những hỏng hóc nhỏ trong dây chuyền sản xuất và thiết bị điện. Có đến 72% DN nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, chủ yếu tận dụng mặt bằng nhà ở, khả năng nắm bắt thị trường yếu. Do vậy, khả năng kết nối với chuỗi cung ứng cũng kém.

Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Minh Khanh, bức xúc: “Thử hỏi sản phẩm nội ngay khi sản xuất ra đã có giá thành cao hơn sản phẩm ngoại cùng loại nhập khẩu là 10% (do sản phẩm cơ khí chế tạo nhập khẩu thì được hưởng mức thuế suất 0%), chưa tính những chi phí khác, giá thành cao hơn thì làm sao hàng nội cạnh tranh lại với hàng ngoại? Làm sao có chuyện khách hàng chịu ưu tiên sử dụng hàng cơ khí nội với giá thành cao hơn?”.  Cách đây 10 năm, câu chuyện cung ứng sản phẩm phụ trợ đã được xới lên tại rất nhiều diễn đàn. Hiệp hội Cơ khí đã gửi không biết bao nhiêu công văn, đề án phân tích và những kiến nghị để phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Trong đó, đề xuất tập trung nhất vẫn là yêu cầu Chính phủ thay đổi chính sách thuế ngược, nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

Chế tạo sản phẩm cơ khí tại một doanh nghiệp trong KCN Tân Bình. Ảnh: Cao Thăng

Nhìn nhận dưới góc độ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang ký càng thấy rõ hơn sự bất hợp lý của chính sách này. Trong sân chơi của bất kỳ hiệp định nào, các nước sẽ tìm cách để sản phẩm của nước mình có thể hưởng được mức ưu đãi thuế tốt nhất và trong thời gian nhanh nhất khi xuất sang thị trường nước thành viên. Ngược lại, tại thị trường nội địa sẽ giữ được thuế suất cao nhất và trong thời gian lâu nhất đối với sản phẩm của nước khác nhập khẩu vào. Cộng với đó là hàng rào kỹ thuật được dựng lên chặt chẽ nhất. Vậy ứng dụng quy tắc này với những chính sách thuế đang áp dụng tại ngành cơ khí chế tạo nước ta thì rõ ràng là sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đang bị thiệt thòi rất lớn. Đây chính là lý do khiến DN ngành cơ khí chế tạo nội địa kiệt sức.

Sửa từ chính sách thuế đến hỗ trợ

Không ít DN cũng khẳng định, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) còn nhiều bất cập. Chính phủ chưa có quy định hoặc chính sách cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn cung ứng nội địa. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI từ chối đặt hàng cung ứng từ DN nội với nhiều lý do như tính rủi ro cao, giá thành sản phẩm không cạnh tranh, thời gian giao hàng không đảm bảo… Hiện phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn duy trì DN cung ứng vệ tinh từ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Samco cho rằng, chưa cần phải kêu gọi đầu tư hay hỗ trợ đầu tư mà cần phải xây dựng chính sách đúng. Hiện tiêu chuẩn cho ngành sản xuất ô tô đã thay đổi Euro 4, 5. Các doanh nghiệp Thái Lan, Philippines đã tiếp cận rất nhanh với tiêu chuẩn mới này và gần như đã đưa ra thị trường những sản phẩm theo tiêu chuẩn mới.  Thế nhưng, DN trong nước vẫn chưa thể bắt nhịp xu hướng này, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh và tồn tại trên thị trường. Để hỗ trợ DN, cần thiết phải có quỹ bảo hiểm rủi ro 100%. Theo đó, với mỗi dự án cần thiết thành công 20% - 30% là đã rất tốt. Còn 70% là quá hoàn hảo. Tuy nhiên, với cách đòi hỏi an toàn khi đầu tư như hiện nay thì không thể phát triển được.

Chính sách kích cầu chỉ mới đáp ứng được một yêu cầu nâng vốn vay cho DN từ 70% lên 85% nhưng nút thắt về định mức vốn vay là 70% từ hệ thống ngân hàng khiến cho DN không có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động chưa rõ ràng. Nếu hỗ trợ vốn tín dụng nhưng không đánh giá được hiệu quả của dự án, trong trường hợp dự án triển khai không đạt hiệu quả thì hậu xử lý ra sao lại chưa rõ. Trên thực tế, Sở Khoa học - Công nghệ đã có Quỹ Đổi mới công nghệ nhưng thời gian qua, vốn cho vay đang bị mất dần vì những dự án triển khai không hiệu quả và không có khả năng thu hồi vốn. Cần thiết phải chuyển những DN không có tài sản thế chấp chuyển sang thuê tài chính. Ngoài ra, nếu không có chính sách hỗ trợ chi phí thuê đất thì không có DN cơ khí nào phát triển được, bởi đặc thù của ngành là lợi nhuận thấp nhưng chi phí đầu tư cao…

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục