Đổi mới công tác thu hút cán bộ khoa học-công nghệ - Bài 3: Hướng tới đầu ra của nghiên cứu khoa học

Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho TPHCM, các trường đại học (ĐH) trên địa bàn cũng góp phần quan trọng trong chiến lược đào tạo và thu hút nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) để phục vụ phát triển thành phố và hội nhập với thế giới. 

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đang phát triển nền tảng mới, cho phép các cựu sinh viên đang giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài có thể tham gia giảng dạy, hướng dẫn cho các sinh viên đang theo học tại đây. Nền tảng công nghệ hiện nay giúp họ thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy, hợp tác và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cùng sinh viên và đồng nghiệp trong nước.

Đổi mới công tác thu hút cán bộ khoa học-công nghệ - Bài 3: Hướng tới đầu ra của nghiên cứu khoa học ảnh 1 Thu hút nhà khoa học quốc tế, sinh viên quốc tế trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu được nhiều trường đại học chú trọng
Chiến lược dài hơi

Công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng cán bộ khoa học trẻ, đặc biệt là các tài năng trong lĩnh vực khoa học, luôn gắn liền với sứ mệnh của ĐH Quốc gia TPHCM. Rất nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam và quốc tế đã trưởng thành từ ĐHQG TPHCM và đang công tác cho các trường ĐH, viện nghiên cứu trong nước như TS Nguyễn Thị Hiệp, GS-TS Phan Thanh Sơn Nam, PGS-TS Nguyễn Thời Trung, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng... Điểm nhấn và cũng là điểm khác biệt chính là các chương trình đào tạo về KHCN được ĐHQG TPHCM đầu tư, vận hành và liên thông từ bậc THPT (trường phổ thông năng khiếu) đến bậc ĐH và sau ĐH.

Cùng với đó, ĐHQG TPHCM đã có những chính sách (cả những cơ chế đặc thù) để thu hút các nhà khoa học là kiều bào, các nhà khoa học quốc tế về hợp tác đào tạo, nghiên cứu cho ĐHQG TPHCM. Trong nhiều năm qua, ĐHQG TPHCM đã thí điểm một số chính sách và cơ chế để thu hút các nhà khoa học là kiều bào, các nhà khoa học quốc tế về hợp tác đào tạo, nghiên cứu. Có thể kể tên một số chương trình như: Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (hợp tác ĐH Berkeley - Mỹ), hay Phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu ung thư (hợp tác với ĐH UCLA - Mỹ). Các chương trình này không chỉ đóng góp kết quả nghiên cứu đỉnh cao thông qua các xuất bản khoa học mà còn góp phần đào tạo những nhà khoa học trẻ tài năng cho ĐHQG TPHCM.

Với cơ chế tự chủ, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM đã chủ động mời được GS Võ Văn Tới, GS Nguyễn Văn Thuận về nước để giảng dạy và nghiên cứu. Nhờ đó, trường đã xây dựng được bộ môn Kỹ thuật Y sinh hay triển khai các nghiên cứu chuyên sâu về tế bào gốc. Đây là những hướng nghiên cứu mới, liên ngành và có thể mang lại đột phá. Sắp tới ĐHQG TPHCM sẽ phát triển nền tảng mới, cho phép các cựu sinh viên đang giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài có thể tham gia giảng dạy, hướng dẫn cho các sinh viên đang theo học tại đây.

Đại diện cho các trường ĐH ngoài công lập đang đào tạo thành công nhân lực hội nhập quốc tế, GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Trường đã sớm thấy tầm quan trọng và tính không biên giới của nghiên cứu khoa học nên việc xây dựng lực lượng của trường dựa trên các tiêu chuẩn chung của thế giới. Ngoài ra, trường đã quyết định tuyển dụng nhân sự toàn cầu từ rất sớm nên có nhiều lựa chọn ứng viên để có thể tuyển người tối ưu nhất. Mỗi năm, những tiến sĩ làm việc tại các đơn vị nghiên cứu và giáo dục của trường phải có công trình trên các tạp chí ISI/Scopus theo xếp hạng công bố khoa học của trường. Đương nhiên “có đi phải có lại”, nhà trường cũng phải có chính sách thu nhập phù hợp và có tính khuyến khích cao cho những nhà khoa học có công trình nghiên cứu mạnh cả về chất và lượng. Mức thu nhập này hiện đang đủ cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực”.

Theo GS Lê Vinh Danh, rất nhiều trường gửi cán bộ đi học, đào tạo ở nước ngoài nhưng cuối cùng một đi không trở lại, thậm chí phải dắt nhau ra tòa để phân xử. Đều này có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính là nằm ở chỗ: điều kiện cần để họ trở về chính là môi trường làm việc. Những nhà khoa học có năng lực tốt luôn mong muốn có được môi trường làm việc đẳng cấp và ổn định, nơi họ có thể phát triển sự nghiệp nghiên cứu, cũng như nối tiếp mạch làm việc như thời gian ở nước ngoài; điều kiện đủ chính là thu nhập tốt. Chính vì điều kiện làm việc tốt và chính sách linh hoạt, coi trọng giá trị và đẳng cấp của họ, trường đã thu hút được nhiều nhà khoa học nước ngoài và kiều bào. Trong danh sách chuyên gia của trường hiện đang có những nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng, như các giáo sư: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Minh Thọ, Phan Thiện Nhân...

Cần “đòn bẩy” về cơ chế

GS-TS Lê Vinh Danh cho biết: Ngoài vấn đề văn hóa và phong tục, có thể nói một số quy định của Việt Nam chưa thực sự hỗ trợ các ĐH tự chủ, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Một trong những trở ngại lớn nhất đó là xin giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cụ thể, như trường muốn tuyển một người nước ngoài làm nghiên cứu sau tiến sĩ thì hiện nay hầu như là không được, vì quy định buộc phải có ít nhất 3 năm làm việc thì mới có thể được cấp phép lao động, trong khi những người mới tốt nghiệp tiến sĩ (ứng viên nghiên cứu sau tiến sĩ) chưa đạt chuẩn này.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, bài học từ thành công của Hàn Quốc, Singapore đã chỉ ra vai trò của nhân lực trình độ cao, của KHCN trong việc phát triển kinh tế. Để phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, TPHCM cần xác định nhân lực là điểm tựa, khoa học là đòn đẩy. Việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, thực hiện các nghiên cứu khoa học đỉnh cao là sứ mệnh của các trường ĐH. Có một thực tế đáng quan tâm là hiện nay, nhiều sinh viên tài năng không muốn học tiếp lên bậc cao hơn để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học; nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản không muốn về nước để giảng dạy và nghiên cứu.

Vì vậy, PGS-TS Vũ Hải Quân đề xuất 3 vấn đề. Đầu tiên, chúng ta cần cơ chế, chính sách mang tính đột phá để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ. Đó chính là cơ chế tự chủ: tự chủ về học thuật, tự chủ về quản trị và tự chủ về tài chính.

Thứ hai là chiến lược xây dựng và phát triển các trường ĐH lớn, mang tầm quốc tế. Việt Nam đã có ĐH lọt vào tốp 1.000, tuy nhiên để các ĐH này vươn đến nhóm 500 trong thời gian tới thì việc xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển ở tầm quốc gia là cần thiết.

Thứ ba là vai trò của địa phương mà cụ thể là của TPHCM đối với việc phát triển các trường ĐH trên địa bàn thành phố. Càng có nhiều nhân lực giỏi, càng có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học mới thì sẽ càng có thêm nhiều nhà đầu tư mới đến với TPHCM. Do vậy, cần có một cơ chế đặc thù cho phép đặt hàng về đào tạo, về nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển của thành phố; là cầu nối gắn kết các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố với các trường ĐH. 

Theo PGS-TS Vũ Văn Tích, về cơ chế, liên bộ: KH-CN, KH-ĐT, Tài chính, Nội vụ phối hợp thay đổi mô hình đầu tư cho KHCN của các trường ĐH, không phân biệt giữa trường công và trường tư, mà hướng tới sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học. Về đầu tư, phải thay đổi phương thức tổ chức nhiệm vụ KHCN (các đề tài, dự án cấp bộ) trong các trường ĐH theo dạng chương trình nghiên cứu gắn với mục tiêu phát triển của quốc gia, tránh đầu tư dàn trải. Các chương trình nghiên cứu phải hướng tới tạo ra sản phẩm phục vụ đào tạo nhân lực và ứng dụng trực tiếp cho xã hội, đồng thời gắn với xu thế KHCN của thế giới hiện nay là cách mạng công nghiệp 4.0.

Về phía Bộ GD-ĐT, phải nhanh chóng xây dựng các đề án phát triển hạ tầng KHCN gắn với tự chủ ĐH sau năm 2020, như triển khai các dự án đầu tư trọng điểm cho một số tổ chức KHCN ngay trong các trường ĐH với yêu cầu phải có sản phẩm cụ thể, gắn với khởi nghiệp và thực hiện các chương trình nghiên cứu có ảnh hưởng tới toàn ngành.

Tin cùng chuyên mục