Đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, ngày 11-10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. 
Tại hội nghị này, một trong những nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận là việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định việc tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. 
Cụ thể là: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”. Trước đó, Nghị quyết số 39-NQ/TW (ban hành ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị khóa XI về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đã có những đánh giá khẳng định một số kết quả quan trọng của các cấp, các ngành trong triển khai chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã, phường. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (ngày 20-11-2014) của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đến nay vẫn chưa tạo ra chuyển biến về chất, chủ yếu mới chỉ về lượng với kết quả hết sức khiêm tốn. 

Theo Ban Tổ chức Trung ương, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả. Lượng tinh giản biên chế chủ yếu áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86,25%) chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương được giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30-10-2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, người trực tiếp trình bày “Đề án một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại Hội nghị Trung ương 6 lần này từng cho biết, cần phải tiến hành tham mưu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để “một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm”, “một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ”, “một việc chỉ một người làm”, “một người làm nhiều việc”; bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn… bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính trị. Hội nghị Trung ương 6 khẳng định việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giảm tỷ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng.
 
PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, khẳng định, việc đổi mới, sắp xếp lại hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ quan trọng, hết sức ý nghĩa. Nhưng vấn đề là sẽ thực hiện như thế nào, lộ trình ra sao để bảo đảm được ổn định tình hình và đất nước phát triển. Bởi nếu vội vàng, không chuẩn bị kỹ thì rất phức tạp. Đây là việc có tác động lớn, ảnh hưởng tới vấn đề con người và toàn xã hội, không thực hiện cẩn thận, chặt chẽ thì rất dễ sinh ra lực lượng chống đối, xã hội bất ổn. Tuy nhiên thực tế đã chín muồi và chứng minh rằng chúng ta cần phải sắp xếp lại bộ máy từ Đảng tới Nhà nước, cho tới mặt trận đoàn thể để đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và đất nước trong thời kỳ mới. Và việc đó phải được làm một cách tổng thể, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao nhất. Đây là việc phải làm, không thể và không nên trì hoãn nữa! 

Tin cùng chuyên mục