Đổi mới để đáp ứng niềm tin của xã hội

Lại một năm học mới chính thức bắt đầu. Từ trước đến nay, tôi và tất cả chúng ta đều mong nền giáo dục phát triển lành mạnh và đạt kết quả tốt. Sự thật, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề cần phải vượt qua. Điều chúng ta mong muốn đạt được còn nhiều, trong khi khoảng cách giữa thực tế chúng ta có với mục tiêu còn khá xa. 

Chúng ta đã biết, Bộ GD-ĐT đã công bố năm học 2019-2020 là năm ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH); giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ ĐH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Đổi mới để đáp ứng niềm tin của xã hội ảnh 1 Thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) trong ngày khai giảng 5-9-2019. ẢNH: VIỆT DŨNG

Năm học 2018-2019 vừa qua đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành giáo dục khi chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học chính thức được ban hành.

Theo lộ trình, chương trình GDPT mới sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu từ năm học 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1. Năm học 2019-2020 được coi là năm bản lề triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. 

Vì thế, năm học mới này sẽ là năm “bận rộn” của ngành giáo dục để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới. Đây sẽ là một năm mà ngành giáo dục phải chuẩn bị rất tích cực cho việc này bởi thời gian qua, việc chuẩn bị này vẫn chậm, chưa chu đáo như xã hội mong muốn.

Chỉ còn một năm để chuẩn bị, nên nếu chuẩn bị không tốt, xuất phát có “trục trặc” sẽ kéo theo nhiều hậu quả về sau. Để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới, mỗi thầy cô giáo hãy tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới.

Mỗi bậc phụ huynh, mỗi địa phương và toàn xã hội cũng cần đồng hành và chung tay với sự nghiệp đổi mới. Chỉ khi có sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới đi đến thành công.

Về giáo dục ĐH, có thể nói, năm học 2018-2019, giáo dục ĐH đã có một bước tiến dài trong tiến trình thực hiện tự chủ. Với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, các nút thắt về tổ chức, nhân sự, tài chính, học thuật cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực như đã nêu, quá trình thực hiện tự chủ của các trường ĐH cũng bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Năng lực tự chủ còn hạn chế nên nhiều trường lúng túng, chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình và một số trường còn sai phạm.

Đặc biệt vừa qua nổi lên sai phạm của Trường ĐH Đông Đô trong đào tạo “chui” khiến xã hội rất bất bình. Nhưng hiện tượng này chắc chắn không chỉ là đơn lẻ của ĐH Đông Đô, mà còn ở nhiều trường khác.

Do đó, năm học tới, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, trách nhiệm giải trình của các trường ĐH bảo đảm quyền lợi cho người học và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Nguyên tắc là nếu giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì phải tăng cường công tác giám sát và kiểm tra. Nếu hời hợt cả 2 vấn đề này thì chúng ta đã buông lỏng quản lý nhà nước. Tự chủ là xu hướng tất yếu, các trường ĐH muốn phát triển cần phải tham gia vào xu hướng này.

Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý nhà nước phải từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tự chủ, cùng với đó, giám sát chặt chẽ để bảo đảm ngăn ngừa các sai phạm. Và đặc biệt, khi sai sót xảy ra, phải chỉ rõ sai sót ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm và khắc phục  ra sao.  

Để đổi mới giáo dục thành công, trước hết phải đổi mới công tác quản lý giáo dục, cả ở cấp cơ sở và công tác quản lý nhà nước cho phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.

Chức năng quản lý nhà nước rất quan trọng và Bộ GD-ĐT phải đổi mới, thực hiện tốt trong thời gian tới. Chúng ta đều hiểu Bộ GD-ĐT thực ra cũng đã xác định đó là một nội dung rất quan trọng mà bộ phải làm trong tất cả những nội dung cần đổi mới.

Vấn đề là bộ đã nhận thức được, đã đề ra được, vậy quan trọng là làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng niềm mong mỏi của xã hội dành cho giáo dục.

Một vấn đề khác mà xã hội rất mong muốn ngành giáo dục chú trọng, đó là công tác dạy đạo đức làm người học sinh. Giáo dục đạo đức phải song hành với truyền thụ kiến thức. Giáo dục cần hướng đến mục tiêu đạt được cả năng lực và phẩm chất của học sinh.

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục cần thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường an ninh, an toàn trường học, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục