Đổi mới giáo dục phổ thông - Yêu cầu tất yếu - Bài 1: Những nốt trầm ngành giáo dục

Mới đây, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giáo dục Phần Lan diễn ra tại TPHCM, các khách mời nước ngoài đã bày tỏ ngạc nhiên trước sĩ số lên đến 60 học sinh/lớp đang tồn tại ở nhiều trường học tại Việt Nam.
Một tiết lên lớp của cô và trò Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Một tiết lên lớp của cô và trò Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM)

LTS: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), tuy đạt được những kết quả hết sức khả quan, song thực tế cũng chỉ rõ những điều bất cập, chưa vững chắc. Đó là giáo dục còn nặng bệnh thành tích, chú trọng quan tâm đến số lượng nhiều hơn chất lượng. Nội dung, chương trình giảng dạy đã lỗi thời, chưa phát huy được tính sáng tạo, năng lực thực hành cho học sinh. Đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo con người và nhu cầu phát triển của xã hội. Đặc biệt, công tác dạy “nhân” và “nghĩa” bị buông lỏng, giảm sút. Trong xu thế đó, ngày 28-7-2017, Bộ GD-ĐT công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá ở bậc phổ thông khi hướng đến mục tiêu chuyển từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện học sinh.

Một phụ huynh ở Long An bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi; cô giáo ở Bến Tre bị học sinh bóp cổ ngay trong lớp; em bị phạt, anh trai vào trường đánh thầy giáo gãy sống mũi ở Nghệ An; tại Hải Phòng, cô giáo phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng; cô giáo mầm non ở Ninh Bình để cả lớp đánh hội đồng một trẻ… Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, hơn 10 vụ bạo lực học đường như thế đã xảy ra trong các trường học trên cả nước khiến cả xã hội lên án, đặt ra sự hoài nghi về cách “dạy người” của hệ thống giáo dục nước nhà. Có phải, đây là kết quả sau một thời gian dài ngành giáo dục đứng trước thách thức về đội ngũ, cơ sở vật chất, bệnh thành tích… nhưng chưa có giải pháp phù hợp?
Những dấu hỏi về đạo đức học đường
Câu chuyện “231 cái tát” ở Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) được ví như cái tát vào ngành giáo dục. Cái sai của người đứng lớp chưa kịp giải quyết, kéo theo cái sai của người lãnh đạo nhà trường khi có động thái lấy lời khai học sinh - những người chứng kiến và trực tiếp thực hiện việc tát bạn - bằng những chiếc phiếu... điều tra. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3-12 cho rằng: “Trong vụ này, cô giáo thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu chuẩn mực đạo đức, nhưng ban giám hiệu, hiệu trưởng lại rất non kém, năng lực hạn chế”.
Còn người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thì nêu quan điểm: “Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế. Quan điểm của bộ là không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này”. Cần thấy rằng trong vụ việc này, không chỉ những con người có liên đới trực tiếp phải dũng cảm nhận trách nhiệm, mà bản thân cấp quản lý ngành cao hơn cũng cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm - đó là làm sao không để xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự.
Vấn đề văn hóa ứng xử học đường chưa bao giờ là cũ. Điều mà xã hội lo ngại lâu nay nhưng chưa được những người có trách nhiệm nhìn nhận và xử lý thấu đáo. Chúng ta chưa quên trường hợp một học sinh Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) đã “tố” giáo viên dạy toán lên lớp suốt 3 tháng không nói gì. Trước áp lực từ nhà trường, thầy cô và cả bạn bè, em đã phải chuyển đến một trường tư thục. Một trường hợp khác là thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người dám một mình đứng lên tố cáo những tiêu cực trong thi cử tại Trường THPT Phú Xuyên A hơn 10 năm trước. Để rồi, người thầy cương trực ấy liên tục bị lãnh đạo trù dập, bị xã hội đen đánh dằn mặt, thậm chí không được nâng lương trong suốt một thời gian dài.
Văn hóa ứng xử trong nhà trường còn “lợn cợn” bởi những cuộc ẩu đả hội đồng của những cậu ấm, cô chiêu. Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan công an tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thì từ năm 2010 đến giữa năm 2018 đã có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia vào các vụ đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Không còn là xích mích của tuổi học trò hiếu động, khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, quay clip tung lên mạng với thái độ hả hê. Các vụ ẩu đả đôi khi bắt nguồn từ những lý do vu vơ như: thấy “ngứa mắt”, bị “nhìn đểu”. Tấm bảng “Tiên học lễ, hậu học văn” mà trường nào cũng treo trịnh trọng đang bị xóa nhòa. 
Sỉ số và áp lực người thầy 
Những chuyện buồn kể trên quá đối lập với thước phim sống động về “những giáo viên cắm bản” phát trên đài truyền hình quốc gia cách đây vài ngày. Hàng ngày, những giáo viên ở tại đỉnh trời Mường Lát (Thanh Hóa) vượt qua những con đường gian nan và nguy hiểm để mang con chữ đến cho các em học sinh. Việc vận động các em học sinh đồng bào Mông vốn rất nhút nhát đến trường là một việc không hề đơn giản. Các thầy phải tới tận từng nhà, thậm chí đuổi theo học sinh để đưa các em quay lại lớp. Ở nơi ấy, các giáo viên trở thành cha mẹ, anh chị các em; cũng ở nơi đó, những giáo viên kết nghĩa trăm năm để gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người. Thước phim giúp người xem ấm lòng và níu giữ niềm tin vào ngành giáo dục. Song, qua đó cũng cho thấy người thầy nói riêng, ngành giáo dục nói chung còn đối mặt với thách thức vô cùng lớn.
Đổi mới giáo dục phổ thông - Yêu cầu tất yếu - Bài 1: Những nốt trầm ngành giáo dục ảnh 1 Giáo viên đọc truyện cho trẻ tại trường Mẫu giáo Tuổi Thơ 7 (quận 3, TPHCM).   Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Mới đây, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giáo dục Phần Lan diễn ra tại TPHCM, các khách mời nước ngoài đã bày tỏ ngạc nhiên trước sĩ số lên đến 60 học sinh/lớp đang tồn tại ở nhiều trường học tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thừa nhận việc tồn tại các lớp học có sĩ số “khủng” khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn khi triển khai các phương pháp dạy học tiên tiến. Đáng nói, không chỉ các quận ở vùng ven có tỷ lệ dân nhập cư cao như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, mà ngay cả các trường ở khu vực trung tâm như quận 1, quận 3 cũng đang duy trì lớp học với sĩ số 55 học sinh/lớp. Đầu năm học 2018-2019, để đáp ứng chỗ học cho lứa “rồng con” (trẻ sinh năm 2012) vào lớp 1, nhiều quận, huyện phải cắt giảm tỷ lệ lớp bán trú và 2 buổi/ngày.
Tại Hà Nội, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) cũng là một điển hình cho quá tải sĩ số, có 57 lớp ở 5 khối nhưng chỉ có 41 phòng học. Để có đủ chỗ học cho tất cả các lớp, trường phải tổ chức cho học sinh nghỉ học luân phiên các ngày trong tuần (chỉ học 4  buổi thay vì 5 buổi mỗi tuần). Các hoạt động học tăng cường, sinh hoạt tập thể, học liên kết đều bị cắt giảm tối đa. 
Trái ngược với tình trạng gia tăng học sinh hàng năm là vấn đề thiếu giáo viên. Tính đến tháng 8-2018, tổng số giáo viên còn thiếu ở tất cả bậc học trên cả nước là 75.730 người, trong đó bậc mầm non “báo động đỏ” với gần 65.000 giáo viên. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm học 2018-2019, chỉ có 2/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tuyển đủ giáo viên, 21 tỉnh thiếu từ 1.000 giáo viên trở lên. Trong khi đó, 2 bậc THCS và THPT lại thừa hơn 15.000 giáo viên, một số tỉnh phải áp dụng “kế sách” tạm thời là đưa giáo viên THCS xuống dạy mầm non và tiểu học. 
Một hệ quả của thực trạng giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu kỹ năng giảng dạy thực tế là tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Lớp học ngày càng đông với đối tượng học sinh đa dạng, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng quản lý lớp học, biết áp dụng các phương pháp đổi mới để giảm tải khối lượng công việc cho chính giáo viên. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đắc Thanh, Khoa Khoa học giáo dục (Đại học Sư phạm TPHCM), cho biết hiện nay chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo sư phạm lại quan tâm nhiều đến kiến thức, chưa có tỷ lệ hợp lý về đánh giá kỹ năng, thái độ của giáo viên.
Nhận diện thách thức 
Như vậy có thể thấy, chưa nói đến chất lượng, việc thừa - thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó đặt ra cho các địa phương khi thời điểm thực hiện chương trình GDPT mới đã cận kề. Nhận định về thực tế này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho rằng công tác dự báo ở các địa phương hiện nay chưa làm tốt. Hiện nay, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ nhiều đề xuất quan trọng như xếp lương cho giáo viên theo hình thức ký hợp đồng lao động phù hợp thời gian công tác, không áp dụng chủ trương tinh giản 10% biên chế đối với giáo viên mầm non, có chính sách tuyển dụng giáo viên đặc thù ở 17 tỉnh, thành phố có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao…
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay vẫn còn một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của bản thân, chưa chủ động tham gia vào quá trình đổi mới. Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường sư phạm còn bất cập, chưa tạo thành mạng lưới để phối hợp hiệu quả hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trên phạm vi cả nước.
Lý giải hạn chế này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, giáo dục nước ta một thời gian dài vẫn duy trì một chương trình GDPT duy nhất, tức ở cùng một thời điểm, khối lớp, mọi học sinh từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo đều học chung một bài học. Vài năm trở lại đây, dạy học mới bắt đầu được “cởi trói”. Bước đầu, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá đối với bậc tiểu học, đồng thời cho phép giáo viên chủ động tổ chức, sắp xếp chương trình ở bậc THCS. Tuy nhiên, ở nhiều nơi giáo viên vẫn còn sức ỳ về dạy học theo quan điểm cũ. Cụ thể, trong các tiết học STEM do các trường tổ chức gần đây, giáo viên vẫn dành hơn nửa thời lượng tiết dạy để triển khai các nội dung như “khái niệm”, “định nghĩa”, vốn đã được in đầy đủ trong sách giáo khoa. Trong khi đó, yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua các hoạt động trao đổi nhóm, tạo sản phẩm để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh lại không đủ thời gian thực hiện. 
Cuối cùng nhưng quan trọng không kém là cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ phòng học kiên cố trên cả nước hiện mới đạt 74,4%. Cả nước còn khoảng 150.452 phòng học bán kiên cố, học tạm, tập trung nhiều ở các tỉnh kinh tế khó khăn, miền núi. Trang thiết bị dạy học nhiều nơi còn thiếu, học sinh chỉ được “học chay” lý thuyết do thiếu phòng thực nghiệm.

Tin cùng chuyên mục