Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh

Ngày 1-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018

Tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả kinh tế - xã hội toàn diện mà đất nước ta đạt được trong tháng 11 và 11 tháng năm 2017.

Thủ tướng khẳng định: “Những con số mà chúng ta ước báo cáo Quốc hội thì qua tình hình tháng 11 khẳng định chúng ta đã nhận định đúng. Trong quá trình xây dựng báo cáo, các cơ quan chức năng đã xem xét con số một cách hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, cụ thể”.

Theo Thủ tướng, chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, khối lượng công việc còn rất lớn nên không được chủ quan. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung phân tích, lý giải rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục; chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm 2018, trong đó lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đưa vào Nghị quyết số 01 về điều hành kinh tế - xã hội năm 2018.

“Tôi lưu ý các đồng chí thành viên Chính phủ cần thực hiện tốt hơn, liên tục lời hứa của mình trước Quốc hội, quốc dân đồng bào, thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mình nói và làm đi liền với nhau, nhất là trong hành động cụ thể, chứ không phải trước Quốc hội, trong thảo luận ở Quốc hội thì sôi nổi, trách nhiệm, sau đó chúng ta không xem lại những lời hứa của mình, kiến nghị của các cơ quan chức năng đối với Chính phủ”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần biến lời hứa của mình, cam kết của mình thành hiện thực trong chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng yêu cầu mỗi Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ tự đánh giá xem năm 2017 đã làm được gì và năm 2018, công việc của bộ, ngành mình là gì để thực hiện những định hướng quan trọng của năm 2018. Các bộ, ngành phải phấn đấu một số công việc có kết quả cụ thể. Ví dụ với ngành GTVT là sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, đường cao tốc; với ngành công thương thì các chương trình mục tiêu, thương mại điện tử, chống gian lận, buôn lậu… và phải tạo được chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận.

Thủ tướng cũng đã nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2018 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tháng 12-2017 và đầu năm 2018.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai, quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

BOT Cai Lậy: không để kéo dài tình trạng này

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng cho biết Thường trực Chính phủ đã thảo luận kỹ về việc tăng giá điện, việc tăng giá điện vừa qua chỉ làm tăng CPI 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018, như vậy rất thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường.

Đề cập đến các dự án BOT, một vấn đề nóng bỏng hiện nay, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị thiên tai, tuyệt đối không để nhân dân bị đói, không có chỗ ở; không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích.

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều tối cùng ngày, báo chí đã tập trung chất vấn về vấn đề BOT, trong đó có trạm thu phí BOT Cai Lậy. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thời gian qua bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này, Bộ GTVT sẽ tổng hợp toàn diện mặt được, chưa được để trình lên Thủ tướng. Trước diễn biến ở BOT Cai Lậy từ ngày 30-11 đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo quy định các trạm ách tắc quá 500m thì phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không để thời gian kéo dài.

“Tuy nhiên, vừa qua tại trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng có một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí tại trạm này, đánh xe tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại... thì dư luận không nên ủng hộ. Chúng tôi sẽ không để tình trạng này kéo dài”, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định. Theo ông Nguyễn Nhật, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8-2017, Bộ GTVT đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai.

Trước việc tại một số địa phương vừa đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc, triển khai các giải pháp căn cơ để xử lý, giải quyết tình trạng này, không để tái diễn. Các bộ ngành, địa phương quan tâm xây dựng trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; hạn chế việc người dân phải gửi trẻ em ở những nơi trông trẻ tự phát; chú ý vấn đề hành xử, thái độ của các cô giáo mầm non. Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm những hành vi bạo hành trẻ em; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non.

Tin cùng chuyên mục