Đối thoại để tìm sự đồng thuận với dân

Ở dự án Trạm ép rác Tân Thới Nhất, nếu trước khi triển khai có cuộc đối thoại trên thì đã không xảy ra tình trạng tụ tập đông người, kéo băng rôn, biểu ngữ phản đối, rồi gửi đơn thư kêu cứu, kiến nghị đi khắp nơi.

“Đề nghị chủ đầu tư và lãnh đạo quận 12 giải thích rõ hơn về khoảng cách giữa trạm ép rác với khu vực chung cư Tín Phong mà chúng tôi đang sống chỉ cách hơn 10m, như vậy có bảo đảm không gây ô nhiễm; chung cư có trước, hay trạm ép rác có trước?”, ông Trung vừa dứt lời, ông Thuận truy tiếp: “Chủ đầu tư nói công nghệ mới, thiết bị hiện đại sẽ không gây ảnh hưởng môi trường, vậy UBND quận 12 có cam kết đúng vậy không, nếu sai thì giải quyết sao với dân?”… 

Hàng loạt câu hỏi của đại diện các hộ dân cụm chung cư Tín Phong, phường Tân Thới Nhất được nêu lên với chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng quận 12 và lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND quận 12 tại cuộc đối thoại lắng nghe, giải quyết những kiến nghị của người dân về dự án Trạm ép rác Tân Thới Nhất đang được triển khai.

Đối thoại để tìm sự đồng thuận với dân ảnh 1 Khu vực được quy hoạch xây dựng Trạm ép rác kín. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG
Sau phần giải đáp của UBND quận 12 về quy hoạch, thiết kế, quy mô dự án, công nghệ ép rác…, dù còn những băn khoăn, lo lắng nhưng thái độ của các hộ dân đã có phần dịu xuống, chuyển từ gay gắt, đối đầu sang đối thoại, trao đổi tìm hướng giải quyết. 

“Cách khu vực dự kiến xây trạm khoảng 500m là bãi đất trống gần kênh Tham Lương, sao không đặt ở đây cho xa khu dân cư?”, “Phải cải tiến lại xe thu gom rác, chứ đều là thô sơ như hiện nay sẽ rơi vãi, bốc mùi”…

Các ý kiến đưa ra được đại diện các đơn vị tham gia đối thoại thảo luận một cách nghiêm túc, thẳng thắn, từng bước đạt được sự đồng thuận giữa 3 bên: chính quyền, chủ đầu tư và người dân. 

Cuộc gặp gỡ, đối thoại trên giữa lãnh đạo quận 12 và người dân được cho là hiếm có hiện nay so với hàng ngàn công trình, dự án trên địa bàn thành phố đã, đang và sắp triển khai, nhưng người dân không được biết ngay từ đầu.

Ở dự án Trạm ép rác Tân Thới Nhất, nếu trước khi triển khai có cuộc đối thoại trên thì đã không xảy ra tình trạng tụ tập đông người, kéo băng rôn, biểu ngữ phản đối, rồi gửi đơn thư kêu cứu, kiến nghị đi khắp nơi.

Rất nhiều công trình, dự án tại quận 12 và nhiều quận, huyện khác cũng thiếu công khai, gặp gỡ, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc với người dân trước khi triển khai thực hiện, làm cho dân bức xúc, có cách hiểu không đúng, dẫn đến khiếu kiện phức tạp.

Tình trạng dân kêu thì cứ kêu, chủ đầu tư làm thì cứ làm, chính quyền thì thờ ơ, mặc dân, đang xảy ra ở nhiều nơi và là nguyên nhân dẫn đến sự đối đầu, phức tạp trong quá trình triển khai các dự án đầu tư phát triển.

Chỉ có đối thoại mới tìm được tiếng nói chung đồng thuận. Thông qua đối thoại, tiếng nói của người dân mới đến được chính quyền và chính quyền cũng truyền tải được thông tin đến người dân nhanh nhất, chính xác nhất.

Tin cùng chuyên mục