Đối thoại về chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Ngày 24-5, hơn 200 doanh nghiệp (DN) TPHCM đã đối thoại với các cơ quan chức năng về chính sách hỗ trợ vốn cho DN.
Trước đó tại TP Hà Nội cũng diễn ra chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp" của Thủ tướng Chính phủ
Trước đó tại TP Hà Nội cũng diễn ra chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp" của Thủ tướng Chính phủ
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho biết, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia... Riêng với thị trường châu Âu, rất khó kỳ vọng sự tăng trưởng trong thời gian tới do có nhiều biến động chính trị và sức tiêu thụ chung khá ảm đạm. Tại thị trường nội địa, tình hình sản xuất có tăng trưởng nhưng chưa bền vững do nợ chính phủ, nợ công đang ở mức cao. Nếu giữ mức tăng trưởng trên 6% trong năm nay thì có đến 76% GDP được dùng để trả nợ. Một số sức ép có nguy cơ gây nên lạm phát cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm là khả năng phải tăng giá điện để tăng đầu tư, giảm nguy cơ thiếu điện trong năm tới và tăng thuế môi trường xăng dầu từ mức 3.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít. 

Tuy nhiên, phân tích từ thực tế xuất nhập khẩu của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2017, TS Trần Du Lịch cho biết, những quyết sách hỗ trợ DN phát triển của Chính phủ đã bắt đầu phát huy những hiệu quả nhất định. Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt hơn 125 tỷ USD, tăng gần 21,31 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 62,09 tỷ USD, còn lại là nhập khẩu. Nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu, nước ta đang nhập siêu; nhưng nếu xét đến loại mặt hàng nhập siêu là nguyên liệu sản xuất thì cho thấy, hoạt động sản xuất trong nước đang có những bước phục hồi.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội để Chính phủ cần xem xét điều chỉnh giá dịch vụ hành chính tiệm cận với thị trường. Riêng với giá điện chưa ổn, không thể mãi bao cấp mà phải tính đúng, tính đủ theo hướng không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng… 

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, diễn biến kinh tế năm 2017 không xấu, nhưng chính sách thay đổi tái cơ cấu tăng trưởng kinh tế chưa đạt kỳ vọng. Để có thể giải quyết vấn đề này, trước hết, Chính phủ cần phải ổn định kinh tế vĩ mô và tránh biến động tỷ giá. Kế đến, giải quyết bài toán nợ xấu vốn tồn tại từ năm 2012; lãi suất cho vay hiện chưa giảm là do nguyên nhân này. Cần thiết cho phép hình thành nhiều công ty tư nhân tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu. Nếu không hình thành được thị trường mua bán nợ xấu thì dù Nhà nước có đổ bao nhiêu tiền cho Công ty Xử lý nợ xấu (VAMC) cũng không thể xử lý được. Mặt khác, với những trường hợp DN thế chấp tài sản để vay ngân hàng nhưng giải thể để thành lập DN khác, cần có những biện pháp chế tài để buộc chủ DN hợp tác giải quyết tài sản thế chấp. 

Về Nghị quyết 35 của Chính phủ, trong đó yêu cầu tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính và thúc đẩy khởi nghiệp, các địa phương cần xây dựng hệ thống DN theo hướng chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Không nhất thiết “lùa” các hộ kinh doanh cá thể lên DN mà là định hướng cho DN lựa chọn ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho DN, nhất là lĩnh vực vận tải; giảm lãi suất vay; cơ cấu lại chất lượng lao động theo hướng gia tăng lao động chất xám...

Tin cùng chuyên mục