Vấn đề hôm nay

“Quái kiệt” chơi xe Hà thành

Xe cổ hay xe cũ...
“Quái kiệt” chơi xe Hà thành
“Quái kiệt” chơi xe Hà thành ảnh 1

Chiếc YJ-56 nổi tiếng của anh Vinh.

Gọi là “quái kiệt”, bởi bộ sưu tập xe cổ của anh được xem là đồ sộ, loại hiếm không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước. Nhắc đến tên Vinh “xe cổ” hay Vinh “Tân đảo”, dân chơi xe ở Hà Nội đều biết ngay. Và không chỉ xe cổ, nói đến anh, người ta luôn nhắc đến bộ sưu tập đồ cơ khí “hoành tráng” ở quán cà phê “Xe cổ quán” trên phố Hàng Bún…

Xe cổ hay xe cũ...

Tên đầy đủ là Trần Quang Vinh, nhưng gọi Vinh “Tân đảo” vì gia đình anh vốn là Việt kiều từ Pháp về nước năm 1964, khi đó Vinh mới 5 tuổi. Lớn lên, anh bắt đầu ham mê việc sưu tầm và chơi những chiếc xe máy, xe đạp cổ từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

“Mọi người gọi xe cổ rồi thành quen, chứ thực ra, gọi là xe cũ mới đúng! Mặc dù hiếm và quý thật, nhưng gọi những chiếc xe này là đồ cổ thì hơi quá đáng. Vì đã có chiếc xe nào được 100 tuổi đâu…”, Vinh tâm sự như vậy khi trò chuyện về bộ sưu tập xe máy của mình.

“Quái kiệt” chơi xe Hà thành ảnh 2

Anh Vinh và chiếc Solex 1941 cực hiếm của mình.

Mỗi chiếc xe ở đây đều có một số phận khá ly kỳ. Có lẽ vậy, nên chúng trở nên quý giá, bên cạnh sự hiếm và độc đáo vốn có. Chiếc xe YJ-56 anh Vinh tìm thấy nó đang nằm bẹp trong một bãi sắt vụn ở Thanh Xuân. Như vớ được vàng, trong két bạc còn bao nhiêu, anh moi ra hết “đổ” vào con xe. May là xe nằm ở bãi sắt vụn, chủ của nó không biết được giá trị, mà thời đó, vào những năm 80, không phải ai cũng biết để tâm sưu tập, nên anh chỉ phải trả tiền ở giá... sắt vụn.

Xe đã cũ, gỉ nhưng cái mác có chữ “Chế tạo tại Liên Xô năm 1959” còn nguyên, đầy kiêu hãnh và giá trị! Trước đây, sau khi tân trang lại theo nguyên bản xong, anh vẫn thường cưỡi con xe này chạy phạch phạch khắp phố phường, giờ đây anh cho khênh lên trưng bày ở tầng 2 của quán cà phê, để khách uống nước cũng được ngắm chiếc xe “hàng độc” đó.

Anh Vinh còn đang sở hữu nhiều chiếc xe máy “hiếm có khó tìm” như xe Trường Giang đời 1938-1941. Theo anh, hiện ở Hà Nội chỉ có 2 chiếc loại này. Anh còn có chiếc Motobecare sản xuất năm 1951, độc đáo bởi phanh (thắng) bên trái, số nằm bên phải. Chiếc BMW đời 1938-1941, 750 phân khối của Đức cũng thuộc loại hàng hiếm ở Việt Nam. Những chiếc Honda, Vespa cổ cũng có trong bộ sưu tập này… Và hiếm nhất là một chiếc Solex sản xuất năm 1941, mà theo anh Vinh, không rõ có chiếc thứ 2 ở Hà Nội nữa không?!

Cà phê máy khâu và những món đồ cơ khí hiếm, độc

Ngoài bộ sưu tập xe cổ với mấy chục chiếc vào loại “hàng độc” khiến cho dân chơi, người sưu tập phải “lác mắt” thèm thuồng, anh Vinh còn có những món đồ cơ khí đầy ấn tượng. “Thực ra xe chỉ là một phần, cái mình quan tâm và thực sự đam mê chính là những món đồ cơ khí nói chung…” – anh Vinh nói.

Ấn tượng nhất là toàn bộ bàn để uống cà phê, chè ở “Xe cổ quán” đều được kê bằng chân máy khâu lừng danh hiệu Singer! Vốn là thợ cơ khí, cách đây hơn 20 năm, Vinh đã bắt đầu lùng mua những bộ chân máy khâu Singer đầu tiên. Và đến nay, bộ sưu tập chân máy Singer của Vinh đã có gần 100 chiếc.

“Quái kiệt” chơi xe Hà thành ảnh 3

Những chiếc bàn cà phê được làm từ chân máy khâu Singer đầy ấn tượng và duyên dáng.

Chưa hết, mọi vật dụng trong cái quán cà phê “Xe cổ quán” từ điện thoại, máy nghe nhạc, đồng hồ quả lắc, máy ảnh, chân nến, quạt điện, hệ thống lò sưởi trong nhà... đều ở độ tuổi “xưa nay hiếm”.

Một điều khá đặc biệt là Vinh chơi đồ “quái”, nhưng không phải để ngắm, mà đã “buộc” nó phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Cũ và cổ như bộ dàn JEAC - một thời oanh liệt, đồ chơi của tầng lớp thượng lưu dăm thập kỷ trước, người ta bỏ vào sọt rác,

Vinh nhặt về, bằng tay nghề của một người thợ, anh mày mò phục hồi lại, từ chiếc nút vặn, đến cần gạt tăng âm, monitor, trở thành bộ dàn nghe nhạc “xịn”. Hay như bộ máy quay đĩa ghi nhãn Victor-Talking, chạy bằng đĩa than, chiếc loa bằng đồng như bông hoa loa kèn chĩa lên trời, Vinh cũng nhặt từ thùng rác của nhà người bạn, về phục hồi.

Quạt trần và quạt bàn đều là đồ cũ phục chế, nhưng đều chạy êm như ru. Những chiếc đồng hồ quả lắc, lớn có nhỏ có, vẫn đều đặn gõ nhịp mỗi ngày. Có ai muốn nghe điện thoại rời, ống nói một đằng, ống nghe một nẻo, sản xuất những năm đầu khi phát minh ra điện thoại, đều có thể thử, vì chiếc điện thoại này vẫn hoạt động tốt…

Bài, ảnh: Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục