Đã có “ngôi nhà riêng” cho sân khấu truyền thống tại Hà Nội

Đã có “ngôi nhà riêng” cho sân khấu truyền thống tại Hà Nội

Cùng trong năm 2007, tại Hà Nội, sân khấu truyền thống đã có được hai “ngôi nhà riêng” cho mình, đó là Nhà hát Kim Mã của Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Múa rối Trung ương. Từ nay, những người yêu sân khấu truyền thống và khách du lịch bốn phương muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam đã có địa chỉ cố định để tìm đến…

Đã có “ngôi nhà riêng” cho sân khấu truyền thống tại Hà Nội ảnh 1

Nhà hát Kim Mã, nơi đang diễn ra những hoạt động kỷ niệm 50 năm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Sau 7 năm trời lận đận, đến nay, nhà hát Kim Mã, nằm trên hai mặt phố Kim Mã và Giang Văn Minh, đã chính thức được khai trương. Những người đang hết lòng gìn giữ nghệ thuật sân khấu chèo đã có thể tự hào về “ngôi nhà riêng” của mình. Nhà hát Kim Mã được xây dựng khá quy mô và hiện đại, với cách thiết kế vừa mang tính cổ điển vừa sang trọng.

So với thiết kế ban đầu, trần nhà hát được nâng cao, sân khấu được mở rộng, thiết kế sân khấu 3 mặt, âm thanh, ánh sáng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khán phòng có 506 ghế ngồi đẹp, sang trọng, có cả lô VIP 7 chỗ, 9 chỗ. Có một cơ ngơi đẹp như vậy cũng là áp lực đối với Nhà hát Chèo Việt Nam, đó là phải làm sao có những vở diễn hay để nhà hát luôn được đỏ đèn.

Về điều này, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Bùi Đắc Sừ, trong buổi ra mắt nhà hát đã cho biết: “Đến với Nhà hát Kim Mã, khán giả sẽ được xem những vở chèo cổ được diễn theo phong cách truyền thống mẫu mực nhất và những vở chèo khai thác đề tài hiện đại thì vẫn giữ được gốc của chèo truyền thống”. Đó thực sự là mong muốn của những người yêu mến nghệ thuật chèo truyền thống.

Bác Trần Quang Hòa (201- C5B Thành Công) nói: “Được xem chèo trong một nhà hát hiện đại như thế này, cũng thấy mừng cho nghệ thuật chèo nước nhà. Nhiều người thích xem chèo đã có một địa chỉ cố định để tìm đến và được thưởng thức những tác phẩm chèo thực sự do những nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn”. Vào những ngày giữa tháng 8 này, Liên hoan Nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đang được tổ chức tưng bừng tại Nhà hát Kim Mã với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc.

Không quá gian nan như nhà hát chèo, nhưng để có được một nhà hát dành cho múa rối cũng là cả một sự nỗ lực không ngừng của Ban giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương. Đến nay, một nhà hát hiện đại dành riêng cho múa rối đã hiện diện và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch quốc tế vào bậc nhất của thủ đô. Nhà hát được thiết kế 2 tầng, trong đó tầng 1 dành cho rối nước, tầng 2 dành cho rối cạn, mỗi rạp có sức chứa 300 khán giả.

Ngoài ra còn một rạp ngoài trời gọi là “Thủy đình” có sức chứa 400 khán giả. Giám đốc nhà hát, NSƯT Vương Duy Biên, cho biết: “Nhà hát hiện đại này có khả năng phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Đã có một cơ sở hạ tầng tốt, điều còn lại là nỗ lực đầu tư cho các vở diễn. Bên cạnh việc duy trì những trò rối mang tính kinh điển, chúng tôi còn có những tìm tòi, thể nghiệm nhằm tạo ra những món ăn đa dạng phục vụ khán giả”.

Nhà hát này luôn đỏ đèn với 3 suất diễn mỗi ngày. Mặc dù khán giả trong nước chưa mặn mà nhưng khách du lịch quốc tế thì kéo đến rất đông. Điều đáng mừng là, cơ ngơi mới đã giúp nhà hát được nhiều người dân Hà Nội biết đến hơn. Được biết, gần đây, Nhà hát Múa rối Trung ương đã có khá nhiều hợp đồng biểu diễn với các trường học và các khán giả “nhí” tỏ ra rất hào hứng với loại hình nghệ thuật này.

Hai nhà hát mới ra đời là tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung. Điều đó chứng tỏ vị thế quan trọng của nghệ thuật truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta. Nhiều người vẫn ao ước, ở thủ đô Hà Nội, cái nôi văn hóa của cả nước sẽ có thêm những “địa chỉ đỏ” của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc như vậy.

Minh Duy

Tin cùng chuyên mục