Đón cơ hội đầu tư vào vùng Viễn Đông

Với chủ đề “Viễn Đông - mở rộng ranh giới của các khả năng”, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông khai mạc tại thành phố Vladivostok từ ngày 11 đến 13-9 phản ánh nỗ lực hội nhập của nước Nga vào các mối quan hệ hợp tác kinh tế ở không gian châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn.

Đây cũng là sự kiện tạo lực hút đầu tư mới ở vùng Viễn Đông với sự tham gia của 60 quốc gia, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo châu Á. Phát biểu trước thềm khai mạc diễn đàn, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng đây là diễn đàn quan trọng của các nhà chính trị, quan chức chính phủ và nhà đầu tư. Trong thời gian qua, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông đã trở thành nơi đáp ứng yêu cầu đối thoại trực tiếp của các nhà chính trị và nhà hoạt động xã hội, doanh nhân và chuyên gia. Để thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh ở khu vực Viễn Đông, Nga đã hình thành các đặc khu phát triển dành cho các doanh nghiệp, dành cho việc khởi động các ngành sản xuất mới, tạo lập khu vực cảng với cơ chế đặc biệt về hải quan và thuế - cảng tự do Vladivostok.  

Ưu tiên của Chính phủ Nga hiện nay là đưa vùng Viễn Đông trở thành trung tâm kinh tế - xã hội, bởi đây là khu vực có lợi thế rất lớn về tài nguyên cũng như vị thế địa lý kinh tế, chiếm tới 36% diện tích nước Nga, chiếm khoảng 51% dự trữ, 30% khối lượng thủy sinh, 27% khí đốt, 17% trữ lượng dầu mỏ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có khoảng 2 triệu ha mặt nước biển có thể nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Một trong những chủ đề được quan tâm tại diễn đàn năm nay là cuộc trao đổi về vai trò của hành lang giao thông Viễn Đông đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc thiết lập hợp tác thương mại giữa khu vực kinh tế nhiều tiềm năng của Nga với các nước châu Á. Khu vực này đã thiết lập các hành lang giao thông mới và nâng cao năng lực khai thác các cảng biển, do đó các doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm của mình từ châu Á - Thái Bình Dương sang châu Âu một cách nhanh chóng với giá cả phải chăng. Trong bối cảnh chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, giới lãnh đạo Nga đã đẩy mạnh xoay trục sang châu Á nhằm phá thế cô lập và nâng cao vị thế chính trị của Nga ở khu vực. Bên lề diễn đàn năm nay, Tổng thống Nga Putin lần lượt có cuộc gặp với lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là cơ hội để các bên củng cố quan hệ đối tác cũng như tìm tiếng nói chung trên nhiều diễn đàn quốc tế với mục tiêu cao nhất là hướng tới lợi ích quốc gia. 

Điểm sáng về kinh tế Nga trong năm 2018 đã góp phần đưa Diễn đàn Kinh tế Phương Đông trở thành diễn đàn kinh tế thu hút sự quan tâm của giới đầu tư sau 3 lần tổ chức. Số liệu gần đây cho thấy kinh tế Nga đang phục hồi sau nhiều năm suy giảm. Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) dẫn số liệu sơ bộ cho biết nền kinh tế nước này trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Rosstat, GDP của Nga tăng trưởng 1,8% trong quý II năm nay, tăng so với con số 1,3% được ghi nhận trong quý trước đó. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết thặng dư thương mại tháng 6 của nước này tăng mạnh 78% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 15,5 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục