Dồn lực đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, TPHCM phát hiện 2.430 trường hợp nhiễm HIV mới (tăng 732 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017).
Chuyên gia tư vấn cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM
Chuyên gia tư vấn cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM

 Sở dĩ ghi nhận số người mắc HIV tăng là do TPHCM đang tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh việc tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm “dồn tổng lực” triển khai mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc đại dịch này vào năm 2030.

Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả


Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS (Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp) hiện đang điều trị ngoại trú cho hơn 1.500 trường hợp nhiễm HIV, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao với hơn 71,5%. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp, người nhiễm HIV/AIDS nếu được phát hiện sớm và kịp thời điều trị bằng thuốc kháng virus, vẫn có thể sống và cống hiến như những người khỏe mạnh. 

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cho biết những người nhiễm HIV có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng nếu không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, đặc biệt là dịch vụ điều trị ARV sớm. Hiện tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam, nhóm chuyển giới vẫn còn cao, nếu không có các hoạt động can thiệp hiệu quả sẽ tạo thành dịch bùng phát trên nhóm đối tượng này. “Đối tượng nguy cơ cao không còn hoạt động nhiều tại các tụ điểm mà chủ yếu hoạt động ẩn; hình thức mại dâm cũng thay đổi từ cố định sang di động, sử dụng mạng xã hội... nên việc tiếp cận cũng khó khăn”, bác sĩ Thu Vân cho hay.

Hiện nay, ngoài việc tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết cho người dân, TPHCM cũng mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Ngoài ra, các bệnh viện, trung tâm y tế đã thực hiện xét nghiệm HIV khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Kết quả, đã xét nghiệm cho gần 287.000 trường hợp (tăng hơn 36.000 lượt so với cùng kỳ năm 2017), trung bình 95% số ca dương tính được chuyển gửi đến các phòng khám ngoại trú để điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM tiếp tục phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP triển khai Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại 58 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản trên địa bàn TP (bao gồm 56 cơ sở y tế công lập và 2 bệnh viện phụ sản tư nhân). Ước tính 6 tháng đầu năm 2018, chương trình đã tư vấn, xét nghiệm cho 44.500 thai phụ. Tỷ lệ thai phụ nhiễm HIV được điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 93% và 100% trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng sau sinh.

Nhiều giải pháp quản lý 

Mặc dù, công tác phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM luôn đạt kết quả đáng khích lệ, mạng lưới tổ chức xã hội, thiện nguyện, tôn giáo, tình nguyện viên, cộng tác viên, giáo dục viên, đồng đẳng viên... cùng chủ động tham gia thực hiện một cách tích cực; tuy nhiên, ước tính vẫn còn số lượng lớn người nhiễm HIV ở cộng đồng và sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm, điều trị, khống chế lây nhiễm HIV. 

Tính đến hết tháng 6-2018, ước tính TPHCM phát hiện 59.107 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, 10.615 trường hợp tử vong do AIDS và số người nhiễm HIV còn sống là 48.492 người.



Theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, thời gian tới TPHCM sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chính. Cụ thể là nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Cùng với việc mở rộng phạm vi xét nghiệm HIV sớm, TP sẽ nâng cao chất lượng của dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. “Trước khó khăn do nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hạn chế, năm 2018, việc điều trị ARV của bệnh nhân nhiễm HIV được chi trả thông qua BHYT. Các bệnh viện thực hiện chính sách này tuyến TP có Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nguyễn Trãi và Bệnh nhiệt đới; Trung tâm Y tế quận Gò Vấp và 17 bệnh viện quận, huyện thực hiện thanh toán các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS qua BHYT (trừ thuốc ARV)... Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện được mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 90% kiểm soát số lượng virus ở mức thấp) vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS ở TPHCM vào năm 2030”, bà Tiêu Thị Thu Vân kỳ vọng.

Song song đó, UBND TPHCM đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, sớm có chính sách quản lý, dự phòng, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp và hướng dẫn cách xác định tình trạng cư trú đối với người nghiện ma túy; có cơ chế cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS thiện nguyện; tiếp tục hỗ trợ TP nguồn thuốc INH (Isoniazid), Cotrim để điều trị dự phòng lao và các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS... 

Tin cùng chuyên mục