Đông Bắc Á “đua” khí tài quân sự

Các vụ thử nghiệm  hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã và đang đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao. Cùng với đó là Mỹ tăng cường các loại vũ khí hiện đại tới Hàn Quốc, khiến nhiều nước lo ngại.

Các vụ thử nghiệm  hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã và đang đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao. Cùng với đó là Mỹ tăng cường các loại vũ khí hiện đại tới Hàn Quốc, khiến nhiều nước lo ngại.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Triều Tiên?

Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn với nhiều loại vũ khí mới, trong đó có hai cuộc tập trận song hành đang diễn ra gọi là Đại bàng non và Giải pháp then chốt. Hai cuộc tập trận kéo dài trong hai tháng và liên quan đến hàng trăm ngàn nhân viên quân sự của hai nước cùng tàu sân bay, máy bay ném bom thế hệ mới, máy bay tiêm kích F-35. Đại bàng non là cuộc tập trận phỏng theo kế hoạch chiến tranh của Mỹ - Hàn Quốc chống Triều Tiên. Cho dù bên ngoài với vỏ bọc là gì thì người Triều Tiên vẫn xem đó là cuộc tập trận chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng Triều Tiên. Nhất là trong cuộc tập trận năm nay bao gồm cả một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ thực hiện cuộc không kích giả định vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chính quyền ông Trump đã làm trầm trọng thêm sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng cách đưa các máy bay tấn công vào Hàn Quốc và đưa các đơn vị lực lượng đặc nhiệm tham gia vào các cuộc tập trận khổng lồ đang diễn ra. Trong số các đội đặc nhiệm có SEAL 6, đội ám sát được đào tạo bài bản đã thủ tiêu Osama bin Laden. SEAL 6 tham gia các cuộc tập trận chung tại Hàn Quốc cùng với Delta Force và Green Berets.

Máy bay không người lái Gray Eagle được triển khai thường trực tới Hàn Quốc

Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc tuyên bố rằng, máy bay không người lái Gray Eagle sẽ đóng quân vĩnh viễn tại Căn cứ không quân Kunsan, phía Nam Seoul. Gray Eagle bổ sung thêm khả năng tình báo, giám sát và trinh sát đáng kể cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Ngoài ra, các phi cơ Gray Eagle cũng có thể mang tới 4 tên lửa Hellfire được sử dụng để thực hiện các vụ tấn công các mục tiêu quân sự. Những máy bay không người lái này có thể ở trên không liên tục trong 24 giờ. Quân đội Hàn Quốc không nghi ngờ gì về mục đích triển khai. Một quan chức giấu tên nói với hãng tin Yonhap: “Trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, phi cơ không người lái có thể xâm nhập vào bầu trời Triều Tiên và thực hiện một cuộc tấn công chính xác vào các cơ sở quân sự và chính trị quan trọng”.

Trong số vũ khí Mỹ đã và sẽ triển khai ở Hàn Quốc, không thể không nhắc tới THAAD. Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối, gọi tắt là THAAD, là một hệ thống tên lửa đạn đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung trong giai đoạn đầu khi tên lửa tấn công vừa bắn đi. THAAD được phát triển để chống lại các cuộc tấn công tên lửa Scud của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991. Tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân, nhưng dựa vào động năng của động lực để tiêu diệt tên lửa. THAAD lần đầu tiên triển khai vào tháng 5-2008. THAAD đã được triển khai ở Các Tiểu Vương quốc Arab, Thổ Nhĩ Kỳ. Việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD là một phần trong việc xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo và lực lượng quân sự rộng lớn hơn của Lầu năm góc ở châu Á.

Phản ứng từ các bên liên quan

Việc Mỹ và Hàn Quốc ráo riết tăng cường vũ khí làm dấy lên những câu hỏi, liệu một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ thành cuộc chiến tranh hạt nhân hay không. Theo Chicago Tribune, với những cuộc thử nghiệm tên lửa rầm rộ trong những tháng đầu năm 2017, cho thấy Bình Nhưỡng đã thể hiện rất rõ những cảnh báo từ ông Thae Yong-ho, nhà ngoại giao cao cấp Triều Tiên đào thoát năm 2016 khi ông mô tả cách mà quốc gia này đang tiến hành các bước cuối cùng để trang bị vũ khí hạt nhân cho các loại tên lửa. Theo ông này, Triều Tiên đang phát triển học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô lớn trong giai đoạn đầu nếu xảy ra xung đột. Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã bắt đầu bắn thử nghiệm các tên lửa Scud và No-dong từ các địa điểm khác nhau trên toàn quốc chứ không phải một địa điểm như trước đây.

Tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên ngày càng được cải thiện, không chỉ ra phía biển của họ mà ra tới tận các vùng biển của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tên lửa Scud có khả năng bay đến 992km và tên lửa Musudan trong lần phóng thử nghiệm gần đây nhất, tương đương với một tầm chân trời khoảng 3.150km. Vụ gần đây nhất, hình ảnh từ vệ tinh Mỹ cho thấy, tất cả 4 tên lửa hạ cánh xuống gần căn cứ lính thuỷ đành bộ Mỹ ở Iwakuni, Nhật Bản.

Nga và Trung Quốc tỏ ra vô cùng quan ngại việc Mỹ tăng cường các loại vũ khí tới bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là THAAD. Theo Sputnik, Giám đốc Cơ quan giải trừ và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov nói: “Chúng tôi tất nhiên đưa các hành động này vào chính sách ngoại giao của chúng tôi. Điều này gây ra căng thẳng trong khu vực, bởi vì nó không chỉ làm Bình Nhưỡng lo ngại mà còn khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh hơn. Tất cả biến khu vực ở vào thế căng như dây đàn và Nga cũng sẽ tính đến kế hoạch quân sự của mình”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sàn cho biết, Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc và sẽ có các bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối kịch liệt việc lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc, có hệ thống radar mạnh có khả năng nhìn sâu vào đất liền Trung Quốc và có thể cảnh báo trước về việc phóng tên lửa của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây theo nhiều cách nhằm duy trì trật tự quốc tế. Thời kỳ đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh giữa các khối đã qua. Điều rất hay là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang củng cố mối quan hệ ba bên của họ. Mặc dù vậy, những diễn biến về một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở Đông Bắc Á không phải là không có. Đặc biệt là với việc Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa quân đội, Triều Tiên thực hiện chính sách hạt nhân hóa, Nga muốn quay trở lại vùng Viễn Đông, Mỹ tăng cường quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng cuộc chạy đua vũ trang này sẽ không diễn biến nhanh.

HUY QUỐC (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục