Đồng bằng sông Cửu Long bùng phát dịch tay chân miệng

Thời gian gần đây, số lượng ca nhiễm bệnh tay chân miệng tại các tỉnh ĐBSCL tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dân nghi ngại nguy cơ bệnh có thể bùng phát thành dịch.


Vào mùa cao điểm

Diễn biến dịch tay chân miệng (TCM) tại ĐBSCL gần như theo chu kỳ, thông thường dịch sẽ rơi vào cao điểm từ đầu tháng 9, kéo dài đến cuối năm. Trong tháng 9 và 10, số ca mắc bệnh TCM ở các địa phương đã bằng các tháng khác trong năm cộng lại.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Tính đến giữa tháng 10-2018, Cần Thơ có 720 ca mắc bệnh TCM. Các quận huyện có số ca tăng cao hơn cùng kỳ gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Số ca bệnh TCM tập trung chủ yếu dưới 5 tuổi”.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, giữa tháng 10, số ca mắc bệnh TCM nhập viện lên tới 1.300 ca. Tại Khoa Truyền nhiễm, mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi điều trị ngoại trú, trong khi khoa chỉ có 70 giường bệnh. Bệnh viện phải tiến hành cho kê thêm 90 giường, tận dụng hành lang bệnh viện để ứng phó với tình trạng quá tải. Nhiều bệnh nhi phải nằm chung giường từ 2- 4 cháu, cao điểm mỗi giường có đến 5 cháu chen chúc nhau.

Đồng bằng sông Cửu Long bùng phát dịch tay chân miệng ảnh 1 Bệnh nhi quá tải tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ
Tại Vĩnh Long, trong tháng 9, toàn tỉnh chỉ có 77 ca, nhưng đến giữa tháng 10 số ca mắc TCM đã là 302 ca. Tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có số ca bệnh TCM tăng như: Long Hồ (tăng 68 ca), TP Vĩnh Long (tăng 45 ca), Vũng Liêm và Tam Bình (mỗi đơn vị tăng 28 ca).

Tại Hậu Giang, số ca mắc TCM từ đầu năm 2018 đến nay là 343 ca (các ca bệnh chủ yếu ở độ 1 và độ 2A). Thế nhưng, theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hậu Giang, gần đây diễn biến bệnh TCM bắt đầu tăng đáng kể.

Diễn biến phức tạp

Thời điểm có nhiều ca mắc TCM lại trùng với thời gian nhập học của các cháu mầm non. Trong khi đó, hầu hết các ca mắc TCM đều dưới 5 tuổi. Đây chính là lý do khiến cho nhiều phụ huynh cũng như ngành y tế lo lắng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, chỉ một cháu nhiễm bệnh, nếu không phát hiện sớm thì hàng loạt cháu khác tại cơ sở mầm non sẽ có nguy cơ cao bị truyền nhiễm virus gây bệnh TCM. Do đó, công tác kiểm soát dịch tại các trường mầm non là rất quan trọng. Từ trước khi mùa dịch bắt đầu cho đến nay, TP Cần Thơ đã triển khai hỗ trợ các trường mầm non trên địa bàn tiến hành sát khuẩn sàn tại các lớp, tẩy rửa bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng của trẻ...

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn ăn chín uống sôi, rửa tay cho các cháu luôn được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, Sở Y tế  TP Cần Thơ còn đề nghị các trường mầm non theo dõi sát tình trạng sức khỏe của các bé để có thể phát hiện sớm cũng như xử lý kịp thời các ca mắc TCM.

Sở Y tế TP Cần Thơ nhận định, với diễn biến thời tiết khá phức tạp tại khu vực ĐBSCL hiện nay như nắng nóng, oi bức kết hợp với mưa bất chợt, là yếu tố đáng lo ngại cho việc virus TCM sẽ có điều kiện phát triển và lan rộng. Ngoài ra, với việc ảnh hưởng của đợt triều cường cao vừa qua tại khu vực ĐBSCL, cũng là yếu tố quan trọng khiến dịch TCM có điều kiện lây lan.

Bên cạnh đó, tình trạng số lượng các ca bệnh TCM tăng đột biến, đến mức quá tải tại các cơ sở y tế cũng khiến tình hình dịch trở nên phức tạp. Ngay tại Vĩnh Long, tỉnh có tổng cộng 302 ca TCM thì đã có 131 ca đến các bệnh viện ngoài tỉnh để chữa trị, khiến các bệnh viện tuyến trên phải gồng gánh vì quá tải.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện chưa có vaccine phòng bệnh TCM. Vì vậy, để chủ động phòng chống, khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho cả người lớn và trẻ em.

Đặc biệt, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, khi bế ẵm trẻ, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ... Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tin cùng chuyên mục