Đồng chí Phan Văn Hân là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khí phách trước kẻ thù

Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về cuộc đời hoạt động cách mạng của liệt sĩ Phan Văn Hân.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Sáng 15-8, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về cuộc đời hoạt động cách mạng của liệt sĩ Phan Văn Hân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long - Châu - Sa, nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nguyên Bí thư Phân khu ủy Phân khu 2.

Tham dự có các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo TPHCM các thời kỳ và thân nhân, đồng đội đã từng tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu với đồng chí Phan Văn Hân.

Đồng chí Trần Trung Dũng, Phó Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, chủ trì hội thảo, đã phát biểu ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Văn Hân trong gần 30 năm hoạt động ở nhiều vùng khó khăn, ác liệt của Nam bộ. Đồng chí Phan Văn Hân (bí danh là Phan Thành Long, Hai Sang), sinh tháng 4-1925, tại ấp Mỹ An, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Đồng chí giác ngộ cách mạng từ rất sớm, năm 1940 được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Phản đế và được giao nhiệm vụ giao liên cho Liên Tỉnh ủy Long Xuyên. Cuối năm 1941, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được cử đi móc nối, tổ chức lại các cơ sở Đảng ở Chợ Mới. Năm 1946, đồng chí Phan Văn Hân là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Long Xuyên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới. Năm 1955, đồng chí được điều về làm Khu ủy viên Khu 8, sau đó được điều động về Khu Sài Gòn - Gia Định, giữ chức vụ Khu ủy viên. Thời kỳ 1965-1967, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 5-1968, trên đường đi công tác, do bị chỉ điểm, đồng chí bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man ở nhiều nhà tù, sau đó đưa đi thủ tiêu.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến tập trung vào phân tích, đưa ra những cứ liệu quan trọng khẳng định những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Phan Văn Hân, nhất là trong thời kỳ những năm 1950 đến trước và sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đợt 2 cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (tháng 5-1968), dù bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ Cộng sản, quyết hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Hân luôn là một đảng viên gương mẫu, tận tụy, phục vụ nhân dân, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khí phách trước kẻ thù. Đồng chí là người lãnh đạo mẫu mực, là trung tâm đoàn kết nội bộ, có tấm lòng thương yêu nhân dân, tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng đội ở tất cả những nơi đồng chí công tác…

Tin cùng chuyên mục