Đong đếm giá của lòng tự trọng

Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam vừa tổ chức tổng kết, trao giải thưởng VHNT năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Không giống mọi năm, hội nghị năm nay được dư luận đặc biệt quan tâm, éo le thay lại không phải vì giải thưởng, dù số lượng giải thưởng được vinh danh trong lần này không phải ít. 

Sự quan tâm của dư luận tập trung vào Chủ tịch Liên hiệp kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh, với lời phát biểu: “Nhà nước nuôi anh em chúng ta!”. Chúng ta ở đây là lực lượng văn nghệ sĩ khá hùng hậu lên tới 40.000 người. Và “nuôi” theo cách ông nói là Nhà nước hỗ trợ kinh phí 85 tỷ đồng mỗi năm để duy trì hoạt động của liên hiệp. 

Theo Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, năm 2018, giới văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sự tồn tại, đổi mới phương thức hoạt động, nguyên do liên quan đến đề án của Bộ Nội vụ về cải tiến phương thức hoạt động các hội VHNT. Đề án này đặt liên hiệp vào tình thế “tồn tại hay không tồn tại”. Ông Hữu Thỉnh bức xúc: “Một đề án rất dày, công phu, nhưng cuối cùng chỉ có: tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải. Nghĩa là anh em chúng ta sẽ không có biên chế, trụ sở, không được hỗ trợ nữa. Một đề án đổi mới phương thức hoạt động mà chỉ tập trung vào mỗi vấn đề là xã hội hóa. Đổi mới phương thức hoạt động với tư cách là một tổ chức chính trị như thế nào, đổi mới như thế nào để phát huy tài năng, cộng hưởng tài năng của văn nghệ sĩ thì lại không đề cập đến. Thật gay go vô cùng!”. 

Và vì “gay go” nên với cương vị là lãnh đạo liên hiệp, ông Hữu Thỉnh đã phải kiên trì trình bày những trăn trở, những đau đáu của mình với lãnh đạo cao nhất chỉ bởi lý do: “Không thể để cho giới VHNT tự trang trải được. Hơn 40.000 văn nghệ sĩ gồm 5 thế hệ là thành quả bao thế hệ tài năng qua kháng chiến, qua đổi mới mới có được. Những văn nghệ sĩ hết lòng vì đất nước, vì nhân dân; bây giờ mà để tự trang trải, biến một đội quân sáng tạo tinh thần cho đất nước chỉ lo đi kiếm sống, đi xin quảng cáo chỗ này, xin tài trợ chỗ kia thì chúng ta mất nhiều lắm”. 

Thực ra, Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam không phải chỉ có mỗi Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn có thêm 9 hội chuyên ngành khác, gồm: Hội Mỹ thuật, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Kiến trúc sư, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Văn nghệ dân gian và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Ngoài các hội thành viên lại có thêm 58 thành viên là các hội VHNT hoặc Hội Liên hiệp VHNT thành phố; 5 liên hiệp của 5 TP trực thuộc Trung ương. Và trong số 40.000 hội viên của liên hiệp, liệu có mấy ai vui được trước chữ “nuôi” mà người đứng đầu liên hiệp dùng trong trường hợp này? Bởi lẽ, nếu là một người giàu lòng tự trọng - mà những nghệ sĩ chân chính luôn là những người rất có lòng tự trọng - một khi có đầy đủ sức khỏe, có tri thức thì họ chẳng cần ai phải “nuôi”. 

Còn nếu Nhà nước không cấp kinh phí nữa, có thực sự sẽ “biến đội quân sáng tạo tinh thần cho đất nước chỉ lo kiếm sống?”. Có một thực tế là những năm qua, tuy với đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm như nhận xét của vị Chủ tịch Liên hiệp là “giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước”. Chỉ riêng Hội Nhà văn Việt Nam, 2 năm liên tiếp đều không có giải thưởng nào cho thể loại sáng tác văn học, thơ. Mặt khác, trong số 40.000 văn nghệ sĩ đó, rất nhiều người vừa kiếm sống, có công ăn việc làm đàng hoàng nhưng họ vẫn miệt mài sáng tạo mà đâu cần ai phải “nuôi”. 

Thay vì mải lo lắng về “nguồn sữa mẹ” sẽ bị hao tổn, có lẽ người đứng đầu các hội VHNT phải tự hỏi, hội của mình với chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, là chỗ dựa của các hội viên, sẽ làm gì để hội viên sống được với nghề, các loại hình VHNT tồn tại được và sống khỏe. Hỗ trợ và giúp đỡ hội viên trong những vấn đề từ sáng tác đến bảo vệ bản quyền vốn luôn là vấn đề nóng những năm qua nhưng lại thường vắng đi sự hỗ trợ từ hội, liên hiệp.

Tin cùng chuyên mục