Dòng họ Trương Quang và cuốn gia phả đỏ

Dòng họ Trương Quang và cuốn gia phả đỏ

Thời nào cũng vậy, họ Trương Quang ở làng Mai Xá luôn nổi tiếng với nhiều nhân sĩ, trí thức hào hiệp. Những năm đầu thế kỷ 20, chí sĩ Hoàng Hữu Huy đã có thơ ca tụng tài năng của dòng họ này: “Trương Quang ông Trợ thơ trăm cuốn”. Bây giờ dòng họ Trương Quang tập trung phần lớn ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Lấp lánh từng trang gia phả

Dòng họ Trương Quang và cuốn gia phả đỏ ảnh 1
Di tích lịch sử đình làng Mai Xá, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945 do ông Trương Quang Phiên lãnh đạo.

Ông Trương Quang Thể, 60 tuổi, trưởng tộc Trương Quang ở làng Mai Xá mấy hôm đầu tháng 7 Âm lịch bận rộn lên danh sách con cháu đạt giải học sinh giỏi các cấp, đỗ đạt cao cho buổi lễ phát thưởng của dòng họ vào ngày 10-7 Âm lịch (22-8). Ông Thể không nhớ hết có bao nhiêu con cháu của họ mình đạt giải nên phải nhờ trưởng ban khuyến học của họ, anh Trương Quang Bình, mang sổ sách đến để viết giấy mời cho đầy đủ, không để sót. “Các cháu chăm học, mình phải động viên kịp thời”, ông Thể nói.

 Trưởng tộc Trương Quang Thể thường kể lại truyền thống vẻ vang của dòng họ cho con cháu nghe. Khi đất nước bị giặc Pháp đô hộ, vua Duy Tân ngự giá ra Cửa Tùng lấy cớ nghỉ mát nhằm che mắt giặc để tìm người thân tín bàn chuyện Cần Vương cứu nước. Ở Quảng Trị lúc ấy mọc lên 6 vườn đào tụ nghĩa, trong đó vườn đào ở Mái Xá (Gio Linh) do cụ Trương Quang Cung lập ra. Các môn đệ của vườn đào Mai Xá họp mặt khi ở Bến Đục, lúc ở Lòi (một vùng rừng rậm). Các cụ còn nhớ rõ ràng mỗi độ xuân về, Lòi Mai Xá mai vàng nở thắm, vì thế vườn đào Mai Xá được gọi là “Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương”. Trong những lần tụ nghĩa ấy, các cụ đọc Hịch Cần Vương kêu gọi người dân đứng lên phò vua đánh Pháp. Bấy giờ, con cháu của dòng họ có cụ Trương Quang Đông, đi lính Cần Vương, được phong hàm bát phẩm. Hàng đêm, vợ con cụ tự nguyện nấu cơm, vắt thành hàng trăm vắt nhỏ trộn muối mè để phát cho những người đang đánh giặc.

Khi tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (TNCMĐCH) được Nguyễn Ái Quốc lập ra, những năm 1925-1929, Chi hội TNCMĐCH huyện Gio Linh ra đời, trong đó có 2 người thuộc dòng họ Trương Quang, ông Trương Quang Phiên và Trương Quang Côn. Năm 1929, các hội viên tham gia rải truyền đơn kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản. Địch truy lùng, nhiều hội viên bị bắt, các ông Trương Quang Phiên, Trương Quang Côn bị kết án tù giam.

Họ Trương Quang ở làng Mai Xá có 68 gia đình nhưng có đến 26 liệt sĩ, có gia đình có đến 3 liệt sĩ. Dòng họ này có gần 200 cử nhân cao đẳng, đại học; 15 người là thạc sĩ và tiến sĩ. Con cháu của dòng họ công tác khắp các bộ, ban ngành, viện từ Trung ương đến địa phương với các chức vụ như: đại sứ của Bộ Ngoại giao, vụ trưởng của bộ Công nghiệp trước đây, vụ trưởng Vụ Pháp chế của bộ Công Thương, giảng viên, cán bộ ở các trường đại học lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.  

 Sau khi mãn hạn tù, năm 1937, ông Trương Quang Phiên đã mở lớp dạy học có tên gọi “Gia đình học hiệu Tiên Việt” dạy dỗ con em trong làng. Đây là một trong rất ít lớp học chữ quốc ngữ đầu tiên tại Quảng Trị. Nhiều người tham gia lớp học ngày ấy kể lại rằng lớp học không chỉ là một “Gia đình học hiệu” đơn thuần mà còn là nơi tụ nghĩa. Ngoài dạy chữ, thầy Phiên còn là người thầy cách mạng của bao thế hệ trẻ trong gia đình học hiệu Tiên Việt này.

Khi thời cơ của cách mạng tháng 8-1945 đến, tại sân đình làng Mai Xá, ông Trương Quang Phiên đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền, chuẩn bị ra mắt Ủy ban khởi nghĩa. Ông Trương Quang Côn, Chủ nhiệm Việt Minh xã, tập hợp bà con tiến về thị xã Quảng Trị mừng Quốc khánh 2-9-1945. Và sau đó, ông Trương Quang Phiên trở thành người lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Trị-Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Truyền thống “lấy tri thức làm vốn”

Những sáng kiến dạy học từ những năm ba mươi của ông Trương Quang Phiên ở làng Mai Xá sau này đã được áp dụng khắp địa phương Quảng Trị trong những ngày mới khởi nghĩa. Nhờ vậy, chưa đầy một năm sau Cách mạng Tháng Tám, Quảng Trị đã có hàng vạn người đọc thông viết thạo. Lịch sử giáo dục Quảng Trị ghi nhận ông Trương Quang Phiên là người có công lớn trong việc phát triển nền giáo dục cách mạng.

Tự hào về các bậc tiền nhân, tuy mưu sinh bằng nghiệp cày cấy nhưng các gia đình họ Trương Quang ở làng Mai Xá sau này ai cũng quyết tâm đưa con em mình tới “cửa cử nhân”. Vợ chồng ông Trương Quang Giáo làm ruộng và bán rau nhưng nuôi 6 con vào đại học. Để được đi học, ngày đó con của ông Giáo phải thay nhau nghỉ học, ở nhà giúp bố mẹ. Đợi người anh tốt nghiệp ra trường rồi, người em mới tiếp tục đi học, dù muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ đó mà các con của ông Giáo nay đều trở thành những cán bộ giỏi. Các cháu nội ngoại của ông cũng hễ thi là đỗ, mà toàn những trường đại học “cỡ bự” như Bách khoa, Kinh tế, Ngân hàng... Mỗi độ tháng tám, gia đình ông Giáo luôn tràn ngập niềm vui vì con cháu hiển vinh tề tựu, ôn lại truyền thống hiếu học của gia đình.

“Họ Trương Quang là một trong những dòng họ thành đạt nổi tiếng ở tỉnh Quảng Trị. Con em của dòng họ cần cù, hiếu học. Sau khi học hành đỗ đạt, họ giữ những chức vụ cao và là những người rất yêu nước, phụng sự Tổ quốc. Thời nào dòng họ này cũng có những người con góp phần viết nên những trang sử mới cho dân tộc”.
Ông Trương Sĩ Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị  

 “Ở cái làng này, người ta chẳng khoe nhau chuyện trâu bò, ruộng vườn mà chỉ “đọ” nhau tấm bằng đại học” - ông Trương Quang Tùng, “người chép sử” của dòng họ Trương Quang, nói. Ba người con của ông Tùng cũng đều tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác ở TPHCM và Đà Lạt. Hay gia đình ông Trương Quang Thanh cả 6 người con đều học đại học. “Các gia đình có 2 và 3 con học đại học ở dòng họ này thì nhiều lắm”, trưởng ban khuyến học họ Trương Quang, hãnh diện cho biết.

Người làng còn tự hào về ý chí vượt khó vươn lên của những sinh viên, cử nhân của họ Trương Quang. Trương Quang Chính, tân sinh viên của Đại học Kinh tế TPHCM, tranh thủ những ngày chưa tựu trường gánh hàng rong đi bán giúp mẹ. Gánh hàng này nguyên mẹ em vẫn đi bán hàng ngày để kiếm tiền nuôi hai con học đại học. Nay mẹ không may đổ bệnh liệt giường, hai anh em Trương Quang Minh và Trương Quang Chính hàng ngày thay mẹ gánh hàng lên chợ ngồi bán, nhận được sự cảm thông và thán phục của nhiều người.

Xuất sắc hơn hết trong thế hệ 8X của họ Trương Quang là em Trương Quang Bình An, con ông Trương Quang Xá. Khi còn học THPT ở Quảng Trị, An đạt giải 3 Vật lý quốc gia, rồi được vào học lớp đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp chuyên ngành Vật liệu tiên tiến của Đại học Bách khoa TPHCM. Bây giờ Bình An bước vào năm học thứ 5. Kết thúc năm học rồi, nhờ đạt kết quả học tập giỏi nên em là sinh viên duy nhất của chuyên ngành này tại Việt Nam vừa được sang Pháp tham quan học hỏi bổ trợ cho ngành học của mình.

Ông Trương Quang Thể, trưởng tộc Trương Quang, tự hào: “Đất này nghèo nhưng giàu chữ!”. Với phương châm lấy nhân tài làm gốc, lấy tri thức làm vốn, hy vọng vùng quê cát Gio Mai sẽ bừng lên trong nay mai.

LAM KHANH

Tin cùng chuyên mục