Động lực và điều kiện để tạo đột phá

Theo ý kiến của các chuyên gia, cốt lõi năng lực cạnh tranh của TP chính là năng lực hệ thống doanh nghiệp (DN) TP. 
Doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Trong đó vai trò chủ lực, năng động của TP được thể hiện thông qua các chính sách nhằm vào cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN địa phương đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN.
Chuyển chính quyền quản lý sang phục vụ 
Dựa trên thực tế cho thấy động lực và cũng là điều kiện để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của TP chính là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới tiên tiến; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Muốn được vậy, trước hết, lãnh đạo TP phải triển khai và đốc thúc thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tham gia tích cực các chương trình tín dụng của TP. Hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, lĩnh vực. 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Hưng, đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đã từng cho rằng: “Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đặt ra 7 chương trình đột phá, trong đó nổi bật là nâng cao tính cạnh tranh của TP, đặc biệt là của các DN trên địa bàn; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Làm được điều này - tức đưa bộ máy quản lý nhà nước trở thành bộ máy thật sự phục vụ DN, phục vụ dân, TPHCM sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu”.
Điều quan trọng thứ 2 là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Nói về điều này, ông Nguyễn Thu Phong, đại diện lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ TP cũng cho rằng: “Để bứt phá, cải thiện năng lực cạnh tranh, TP cần có nỗ lực toàn diện chứ không phải một cơ quan, ban ngành hay chỉ cộng đồng doanh nhân. Giảm thiểu giấy phép con, tránh nhũng nhiễu là khao khát, mong mỏi chung của cộng đồng doanh nghiệp. TP bắt buộc phải cải cách hành chánh và tinh thần phục vụ của bộ máy hành chánh, quản lý nhà nước nếu muốn vươn lên vị trí số 1”.
Tăng năng lực cạnh tranh  bằng “liên kết”
Một trong những yếu tố quan trọng khác cho sự đột phá năng lực cạnh tranh chính là nhờ “liên kết”. TP cần tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên.
Đặc biệt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN - mấu chốt của năng lực cạnh tranh của TP thì lãnh đạo TP cần có chiến lược tạo các mối liên kết, trong đó TP là trung tâm “hiệu ứng lan tỏa” để kết nối cho các DN khác trong vùng.
TPHCM được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nên thu hút được số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đối tác đầu tư vào TP còn thiếu và yếu tiềm lực về tài chính và công nghệ. Trong thời gian tới, TP cần cải thiện môi trường đầu tư, tạo nên sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các đối tác lớn và nỗ lực thu hút mạnh các dự án sử dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường đồng thời tăng cường kêu gọi dòng vốn FDI phát triển dịch vụ, đặc biệt là giáo dục và y tế. 
để nâng cao năng lực cạnh tranh, TPHCM bắt buộc phải đột phá trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng việc đẩy mạnh đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý DN và trang bị cho cán bộ quản lý nhà nước các kiến thức và kỹ năng để có thể tương tác với DN, các đối tác nước ngoài. Thực hiện điều tra, khảo sát thu thập thông tin tổng quan nhu cầu lao động của các DN thương mại trên địa bàn TP về số lượng, giới tính, lứa tuổi, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ…   
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế. Xây dựng TP thành một TP học tập, một trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời thu hút, phát triển và lưu giữ người tài thông qua việc tận dụng nguồn nhân lực đa quốc gia bằng áp dụng chính sách ưu đãi.

Tin cùng chuyên mục