Đồng Nai có tình trạng thu phí BOT cao gây bức xúc dư luận

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 9 dự án BOT, trong đó địa phương có 4, Bộ GTVT 5, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.

Chiều 4-5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Đồng Nai có tình trạng thu phí BOT cao gây bức xúc dư luận ảnh 1 Đoàn giám sát  của UBTVQH đi thực tế dự án BOT và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, chiều 4-5-2017.
Báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn hiện có 9 dự án BOT, trong đó địa phương có 4, Bộ GTVT 5, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Thực tế các dự án BOT đã góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông. Nhờ đó, Đồng Nai đã đầu tư, nâng cấp mở rộng QL 1, QL 1 đoạn tránh TP Biên Hòa, QL 51, QL 1K, xây cầu Đồng Nai mới… góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trọng điểm trên địa bàn. Tuy nhiên, hành lang pháp lý còn nhiều điểm chưa thống nhất; chưa có quy định cụ thể về công khai minh bạch nguồn thu phí; việc xác định thời gian thu phí, mức phí, trạm thu phí các dự án BOT giao thông thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu sót, mức thu phí cao gây bức xúc trong dư luận.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dự án BOT thu tiền của dân, là tiền của nhà nước. Do đó, dự án BOT là của nhà nước và ủy quyền cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, thu phí. Tuy nhiên, nhà nước phải giám sát, đảm bảo chất lượng dự án.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, trường hợp chủ đầu tư duy tu, bảo dưỡng dự án không đúng thiết kế sẽ cho ngừng thu phí ngay. Phải kiểm soát chặt thu phí và nên chăng cho thu phí tự động sẽ kiểm soát toàn bộ nguồn thu.

Đại diện đoàn giám sát đánh giá cao kết quả phát triển hạ tầng giao thông mà Đồng Nai đạt được và cho rằng việc phát triển BOT đều dựa trên chiến lược dài hạn, phù hợp quy hoạch giao thông vận tải cả nước. Trong đó điểm sáng là việc sử dụng ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng góp phần tạo động lực hỗ trợ nhà đầu tư, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trên địa bàn, rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào khai thác.

Tin cùng chuyên mục