Đồng Nai: Tìm giải pháp ổn định ngành chăn nuôi

Sau gần hai tháng tập trung “giải cứu”, đến nay số lượng heo tồn của tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 300.000 con xuống còn hơn 120.000 con.
Một điểm bán thịt heo bình ổn giá ở TP Biên Hòa (Đồng Nai)
Một điểm bán thịt heo bình ổn giá ở TP Biên Hòa (Đồng Nai)
Ngành chức năng của địa phương này đang nỗ lực tìm các phương án giúp người chăn nuôi vượt qua cơn “bĩ cực”. Xuất khẩu vẫn là hướng chủ lực nhằm phát huy hết năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi.   
Gặp khó do tăng trưởng “nóng”
Tại cuộc tọa đàm “Ngành chăn nuôi Đồng Nai thời kỳ hội nhập” vừa diễn ra tại TP Biên Hòa, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, trong việc “giải cứu” heo ở Đồng Nai trong tình trạng “dội chuồng” suốt nhiều tháng qua, vai trò các sở, ngành chức năng của TPHCM rất đáng kể, đặc biệt là Sở Công thương. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ của TPHCM không thể tăng thêm được nữa (với mức thu mua 5.000 - 6.000 con/ngày), vì vậy cơ quan hữu quan tỉnh Đồng Nai tăng cường các biện pháp nhằm kết nối hỗ trợ để tiêu thụ heo trong nội bộ tỉnh. Cụ thể, kết nối với 21 doanh nghiệp có lượng công nhân lớn và có bếp ăn tập thể; kết nối với hệ thống các siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng điểm bán thịt heo bình ổn, từ 14 lên 24 điểm, tiêu thụ hàng chục con heo thịt mỗi ngày. Thực tế, lượng heo tồn giảm nhưng giá heo hơi trên địa bàn tỉnh không tăng bởi sức tiêu thụ đã bão hòa, vấn đề đặt ra cho các sở, ngành chức năng của tỉnh là giảm lỗ tối thiểu cho người chăn nuôi. 
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tổng số đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1,6 triệu con, đã giảm so với tổng đàn hơn 2 triệu con hồi đầu năm 2017, đây là con số quy hoạch đàn heo của tỉnh đến năm 2020 mới đạt được. Do mức tăng quá nhanh trong thời gian qua đã khiến tổng đàn heo của tỉnh vào đầu năm nay lên đến hơn 2 triệu con. 
Trước tình hình giá bán heo hơi giảm sâu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó có việc triển khai các cửa hàng bình ổn giá. Theo đánh giá, hoạt động của các cửa hàng này đã góp phần đẩy giá bán heo tăng lên. Tuy nhiên, với số lượng heo tồn lớn, giá heo hiện vẫn đang ở mức thấp, dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/kg giá bán tại hộ dân và khoảng 24.000 - 27.000 đồng/kg giá bán ở các trang trại. 
Một vấn đề phát sinh trong đợt giá heo hơi xuống thấp như lúc này ở Đồng Nai là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tự động giết mổ, bày bán heo tràn lan dọc các tuyến đường, thậm chí chở đi bán rong. Bên cạnh đó, xuất hiện việc lợi dụng việc thu mua heo để mua heo bệnh, chết về giết mổ. Để giải quyết tình trạng này, Sở Công thương đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền các hộ dân giết mổ tại các cơ sở tập trung; đồng thời kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ heo nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm, môi trường…
Hướng đến xuất khẩu
Theo Bộ NN-PTNT, hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán nhằm hoàn tất hồ sơ, tiến tới đạt được thỏa thuận chính thức trong việc xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, các cơ quan chức năng hiện đang gấp rút chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan để hoàn tất hồ sơ chuyển cho phía Trung Quốc xem xét, bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo đối với Việt Nam. Lệnh cấm này được Trung Quốc ban hành năm 2012, khi đó dịch lở mồm long móng xuất hiện tại nước ta.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định, nhu cầu tiêu thụ heo trong nước hiện nay khó có thể tăng hơn, do đó, nếu được xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường nội địa và sẽ giải phóng nhanh hơn lượng heo tồn trong người dân. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay, đầu ra xuất khẩu tiểu ngạch heo sang Campuchia cũng đang khá thuận lợi. Khi thấy giá heo hơi Việt Nam xuống quá thấp, nhiều thương lái đã sang thăm dò thị trường Campuchia và tiến hành mua heo với lượng lớn bán sang nước này.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, xuất khẩu heo sang Campuchia là một hướng mở trong lúc này. Song, heo hơi Đồng Nai xuất khẩu sang Campuchia có mức giá không cao, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Chỉ các tỉnh gần biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia bán được giá hơn do tốn ít chi phí vận chuyển. Dù giá không cao, thế nhưng ở lúc khó khăn, việc xuất được heo cũng sẽ giúp giảm bớt lượng heo tồn.
Theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi - Thú y (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai), lượng heo của Đồng Nai xuất đi các địa phương giáp biên giới Campuchia như: An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp cũng đã có sự gia tăng từ đầu tháng 5-2017 đến nay. Cụ thể, ở thời điểm đầu tháng, mỗi ngày lượng heo của Đồng Nai xuất về các địa phương này khoảng gần 600 con, đến thời điểm giữa tháng, có ngày tăng vọt lên mức hơn 900 con.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, việc giá heo xuống thấp thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến vùng chăn nuôi và đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, phục hồi ngành chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ mà tỉnh cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm. Cụ thể là việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi, mở rộng các kênh tiêu thụ, đồng thời các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ vay vốn để người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện tại.

Tin cùng chuyên mục