Đông Nam Á nói không với tin giả

Tin giả đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối với nhiều nước, nhất là với các nước Đông Nam Á.
Đông Nam Á nói không với tin giả

 Sau cuộc họp với đại diện một số công ty công nghệ, trong đó có các “đại gia” công nghệ Facebook, Line, Amazon, Netflix…, Tổng thư ký Ủy ban Viễn thông, Phát thanh và Truyền hình quốc gia Thái Lan, ông Takorn Tantasith, vừa đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm tại mỗi nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo. 

Theo sáng kiến được công bố ngày 19-8 của Thái Lan, các công ty cung cấp các dịch vụ số hóa trên nền tảng Internet (OTT) lập một trung tâm để xác minh thông tin. Những trung tâm này sẽ đóng vai trò như “một lối tắt” giúp chính phủ các nước dễ dàng hơn khi phát hiện và báo thông tin sai lệch cho những công ty dịch vụ OTT. Từ đó, các nhà cung cấp có thể nhanh chóng gỡ bỏ nội dung không phù hợp theo chỉ thị của nhà chức trách.  

Đề xuất mới được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị các nhà quản lý viễn thông ASEAN dự kiến diễn ra trong tuần này nhằm đề ra các nguyên tắc chung của khu vực, trong đó có các chính sách thuế, giúp quản lý các nền tảng OTT. Hội nghị diễn ra khi gần đây, một số chính phủ các nước Đông Nam Á cũng nỗ lực tự thân siết chặt quản lý nội dung trực tuyến cũng như áp dụng biện pháp mạnh để đối phó với tin giả. Mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, vốn bị chỉ trích ở nhiều nước về vấn nạn tin giả trong những năm gần đây do buông lỏng giám sát. Tháng trước, Thái Lan cho biết sẽ thành lập trung tâm có tên gọi Trung tâm Tin giả (Fake News Center) nhằm loại bỏ những tin tức bịa đặt, sai trái trên các phương tiện truyền thông xã hội, đe dọa an ninh, an toàn cũng như tài sản của người dân, vi phạm Đạo luật Tội phạm máy tính và các luật khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, quyết liệt nhất ở Đông Nam Á là Singapore. Tháng 5 vừa qua, đảo quốc sư tử này đã thông qua đạo luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, trong đó, áp dụng các hình phạt nghiêm ngặt đối với việc sử dụng mạng xã hội để lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại lợi ích cộng đồng. Luật mới không chỉ áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội mà còn với các cổng tin tức và các nền tảng đóng, chẳng hạn các nhóm chat, thảo luận trực tuyến. Luật mới sẽ trao cho Chính phủ Singapore quyền xử lý tin giả mạnh tay hơn như phạt tới 1 triệu dollar Singapore (hơn 17 tỷ đồng) và mức tù giam có thể lên đến 10 năm. Trong khi đó, Indonesia thành lập Cơ quan chuyên xử lý tin giả mạo trên Internet. Nhiệm vụ của cơ quan này là kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo, triệt phá các mạng lưới khủng bố và xử lý các nội dung thù địch trên mạng. Hiện Indonesia đang phát động cuộc chiến chống lại những tin tức giả mạo với phương pháp áp dụng gồm: Truy tố liên đới tới những cá nhân lan truyền tin giả, phong tỏa các trang mạng đưa tin, tuyên truyền giúp người dân biết sử dụng Internet và mạng xã hội cho những mục đích đúng đắn... 

Để hỗ trợ chống tin giả, ngày 16-8, Instagram, mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook, đã bổ sung tính năng mới để người dùng có thể báo cáo những bài đăng tình nghi sai sự thật.

Tin cùng chuyên mục