Đồng phục học đường nên hợp lý

Vào mỗi đầu năm học mới, ngoài chuyện lo khoản tiền trường, nhiều phụ huynh còn phải đau đầu chuyện lo đồng phục cho con theo quy định của từng trường. 
Đồng phục - mỗi trường một mẫu
Lâu nay, ở các trường học, người ta thường chọn quần xanh, áo trắng làm đồng phục phổ biến cho học trò (cả nam lẫn nữ). Ở những nơi có điều kiện, các trường còn quy định đồng phục nữ sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen). Khi ra đường, nhìn cách ăn mặc, người ta biết ngay đó là học trò. Chuyện sẽ không gì đáng bàn nếu các quy định truyền thống này được tuân thủ thống nhất. 
Phụ huynh N.T.V. (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) và phụ huynh P.Đ.T. (ở quận Gò Vấp) cùng than phiền rằng đứa con lớn vừa lên lớp 9, tưởng là quần áo thể dục của cháu có thể để lại cho đứa em học lớp 6 mặc được; ai dè, năm nay trường lại quy định mỗi lớp một màu khác nhau cho dễ phân biệt, nên đành phải mua mới.
Chưa hết, có trường nọ, muốn tìm dáng riêng cho trường mình nên hợp đồng với tiệm may thiết kế mẫu đồng phục không ai có. Không còn cách nào khác, phụ huynh phải mua mới tại trường, bởi tìm ngoài thị trường không đâu bán.
Đồng phục học đường nên hợp lý ảnh 1 Đồng phục đơn giản của học sinh một trường THPT ở TPHCM
Bà L.D.T. (ở quận 7) có con vừa vào lớp 6, cho biết bà phải tất bật lắm trong những ngày hè mới sắm được bộ quần áo cho con đi học. Vậy mà, khi vào trường, nhà trường bảo phải mua đồng phục thống nhất theo mẫu của trường quy định. Lúc này chỉ còn cách kêu trời! Oái oăm hơn, trường còn buộc mỗi học sinh phải mua ít nhất 2 đôi giày trắng để dự phòng thay đổi khi bị ướt trong mùa mưa.
Ngoài ra, học sinh không được mang giày nào khác, nếu không phải là giày trắng. Từ đầu tuần đến giờ, chiều nào cũng mưa; đường đi học thì bê bết bùn do ngập nước. Vậy là, dẫu có chục đôi giày cũng không sao khô kịp. Tình trạng này kéo dài, các cháu sẽ phải thường xuyên mang giày ướt, có thể dẫn đến mắc bệnh nấm kẽ chân. 
Sở không quy định đồng phục theo từng trường
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết sở không có quy định bắt buộc các trường phải mặc đồng phục. Việc buộc học sinh phải mặc đồng phục theo mẫu riêng của từng trường là không đúng với quy chế chung và là việc làm tùy tiện, gây khó khăn cho nhiều phụ huynh.
Những thay đổi về đồng phục của nhà trường (nếu có) chỉ quy định với các học sinh đầu cấp học; tránh các đồng phục cầu kỳ, phức tạp và không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục tại một nơi quy định.
Theo đó, việc mặc đồng phục của học sinh trong trường phải được thực hiện theo Công văn 6100 ngày 6-9-2013 của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể: “Việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng trường và thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh. Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường.
Ở những nơi có điều kiện và ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị, thì quy định học sinh mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp. Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may. Tuyệt đối, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học”.
Trước đó, Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT về  việc may đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục và nhà trường đã quy định: “Đối với học sinh, sinh viên, không bắt buộc phải may đồng phục khi tới trường. Ở lứa tuổi này nhà trường ban hành  quy định cụ thể về trang phục của học sinh, sinh viên khi đến trường, đảm bảo sự nghiêm túc của môi trường giáo dục nhưng không gò bó, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên”.
Tuy nhiên, ở một số địa phương và nhà trường, việc may mặc đồng phục chưa thực hiện đúng theo Thông tư 26, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh, sinh viên và bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là vào dịp đầu năm học mới.
Muốn tạo điều kiện xây dựng nề nếp cho nhà trường, vấn đề cốt lõi không phải ở chỗ tự tạo cái riêng về màu áo, kiểu áo quần cho trường. Hợp lý nhất, theo chúng tôi, học sinh phổ thông, dù ở trường nào, cấp nào cũng chỉ cần đồng phục áo trắng, quần xanh dương là được.
Truyền thống của nhà trường không phụ thuộc vào “màu quần, sắc áo”, mà cốt lõi nhất là ở chất lượng giảng dạy, học tập của mỗi trường. Tự thân mỗi nhà trường cần nhìn lại việc này để xóa bớt những gánh nặng không đáng có cho các bậc cha mẹ học sinh.

Tin cùng chuyên mục