Dòng rip tử thần

Nhiều vụ chết đuối thương tâm trên biển do dòng rip. Tình trạng này sẽ được hạn chế nếu làm tốt công tác cảnh báo, cứu hộ trên biển.
Dòng rip tử thần

Nhiều vụ chết đuối thương tâm trên biển do dòng rip. Tình trạng này sẽ được hạn chế nếu làm tốt công tác cảnh báo, cứu hộ trên biển.

        Hiểm họa “dòng rip”

Kết quả nghiên cứu dòng rip (rip current, thường gọi là dòng rút, ao xoáy, dòng tử thần) của TS Lê Đình Mầu, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, đã gióng lên hồi chuông báo động khi tại nhiều vùng biển lại có những “hố tử thần” hiện rõ. Năm 2010, trước tình trạng chết đuối gia tăng tại vùng biển Bãi Dài (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), Viện Hải dương học Nha Trang được yêu cầu nghiên cứu tìm ra nguyên nhân để có giải pháp phòng tránh. Vì thế, đề tài “Điều tra, đánh giá dòng rip tại các bãi tắm của Khánh Hòa” do TS Lê Đình Mầu làm chủ nhiệm được triển khai. Tháng 12-2012, đề tài được nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tượng dòng rip xuất hiện khá phổ biến tại nhiều bãi tắm ở Khánh Hòa, trong đó có nhiều khu vực tại biển Nha Trang, đặc biệt là biển Bãi Dài, vùng biển nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với hàng chục dự án du lịch sinh thái biển đã được đầu tư, sẽ thành trung tâm du lịch trong tương lai.

Bãi biển đối diện Nhà sáng tác Nha Trang, nơi có nhiều người tắm biển bị đuối nước, do rơi vào dòng rip.

Bãi biển đối diện Nhà sáng tác Nha Trang, nơi có nhiều người tắm biển bị đuối nước, do rơi vào dòng rip.

Dòng rip là một loại dòng chảy từ bờ hướng ra khơi, xảy ra trong vùng sóng đổ, có hình thái và kích thước của một luồng nước mạnh với bề ngang hẹp chừng 15 - 30m, bề dài ra cách bờ chừng vài chục mét, có khi lên đến 100 - 150m phụ thuộc vào điều kiện địa hình và từng thời điểm. Khi sóng ập đến sẽ dồn nước vào một lạch sâu và đổ ra khơi tạo thành luồng nước mạnh. Theo TS Lê Đình Mầu, dòng rip xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng rõ và nguy hiểm nhất là vào thời điểm giao mùa, lúc biển động, có áp thấp. Đặc điểm dễ nhận biết dòng rip là thường xuất hiện cùng một vùng sóng lăn tăn, xung quanh là bọt trắng xóa. Nghiên cứu còn chỉ rõ, kích thước, cường độ và độ ổn định của dòng rip tại bãi biển Nha Trang nhỏ hơn so với Bãi Dài và các nơi khác. Tuy nhiên, do độ dốc bãi lớn nên hiệu ứng dâng-rút của nước biển tại Nha Trang gây ra rất nguy hiểm cho người tắm biển. Tại biển Nha Trang, hai địa điểm có dòng rip tiềm ẩn nhiều nguy hiểm là khu vực biển đối diện Nhà sáng tác Nha Trang và bãi biển gần khu vực danh thắng Hòn Chồng.

        Tăng cường cảnh báo, cứu hộ

Theo thống kê, khu vực biển đối diện Nhà sáng tác Nha Trang 5 năm qua đã có 5 trường hợp chết đuối do bị cuốn vào dòng rip. Chỉ tính từ 10-2012 đến nay, lực lượng cứu hộ bờ biển TP Nha Trang đã cấp cứu 32 trường hợp đuối nước, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Bất cập hiện nay là công tác dự báo, cứu hộ tại các bãi biển quá sơ sài. Các đội cứu hộ bãi tắm còn mỏng, trang bị thô sơ, chưa chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ còn thấp nên hiệu quả cứu hộ chưa đúng mức. Hiện các bãi biển tại Nha Trang chỉ có đoạn từ tháp Trầm Hương đến nhà hàng Sailing Club (đường Trần Phú) là có phao báo nguy hiểm và có lực lượng cứu hộ túc trực thường xuyên, còn các khu vực khác hầu như không có. Tại Bãi Dài, suốt 12km bờ biển chạy từ đèo Cù Hin đến sân bay Cam Ranh, chỗ nào cũng có dòng rip, trong khi lực lượng cứu hộ rất mỏng. Nghiêm trọng hơn, các “điểm đen” tại các bờ biển lại chưa có biển báo nguy hiểm nên người dân không biết nơi nào phải tránh.

Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, đội cứu hộ của TP hiện có 40 người túc trực ở khoảng 10km bờ biển với phương tiện eo hẹp, chỉ 3 ca nô; không có đài quan sát, bộ đàm, ống nhòm, ván trượt… TS Lê Đình Mầu cho rằng, những nơi có dòng rip cần có các biển báo nguy hiểm, biển báo có dòng rip, xây dựng đài quan sát. Nhưng đã nửa năm đề tài được nghiệm thu, đến nay các kiến nghị này vẫn chưa được triển khai. Ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã có văn bản gửi Viện Hải dương học Nha Trang phối hợp thực hiện một số kết quả tại đề tài của TS Lê Đình Mầu. Tuy nhiên, do văn bản chuyển lên chuyển xuống nhiều nên chậm trễ. “Để các bãi biển trở nên an toàn thì cần có cái nhìn thực tế, không giấu giếm; bên cạnh đó, cần có thêm các cuộc nghiên cứu mở rộng, quy mô, có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Vì thực tế, các nghiên cứu trong nước vẫn còn hạn chế do thiếu kinh phí, máy móc hiện đại”, TS Lê Đình Mầu nhấn mạnh.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục