Đột phá công nghệ của ngành cấp nước TPHCM

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ và tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội. Với sự mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) trong sản xuất, kinh doanh, quản lý nên thời gian gần đây, ngành cấp nước TPHCM đã có những bước tiến quan trọng để bước kịp cuộc cách mạng này.
Dấu ấn thành công đầu tiên 
Một trong những ứng dụng KH-CN thành công và tạo tiếng vang của ngành cấp nước TPHCM, đó là sử dụng van linestop di dời thành công tuyến ống nước mà vẫn duy trì được việc cung cấp nước trong thời gian thực hiện, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cấp nước cho TPHCM. 
Đó là thời điểm năm 2010, TPHCM thực hiện dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Để triển khai dự án trên, phải di dời đường ống cấp nước phi 2.000 khu vực cầu Điện Biên Phủ.
“Không thể không di dời đường ống cấp nước. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng yêu cầu việc di dời không được làm gián đoạn việc cấp nước, vì đây là tuyến ống huyết mạch cung cấp nước cho nhân dân TP. Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn khi đường ống lớn, điều kiện thi công lại khắc nghiệt”, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, nhớ lại.
Với nhiều nỗ lực, Sawaco đã mạnh dạn phối hợp với nhà thầu ứng dụng công nghệ mới - công nghệ sử dụng van linestop (cắt tê không ngưng nước) để di dời tuyến ống này. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được thực hiện thành công ở Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, tạo cơ sở và niềm tin, động lực để Sawaco mạnh dạn ứng dụng các giải pháp, công nghệ phức tạp khác trong thi công, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cấp nước. 
Trước đó, Sawaco cũng áp dụng thành công giải pháp trang bị biến tần cho các nhà máy nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đơn vị. Trước năm 2009, do tình trạng thiếu nước nên các nhà máy nước phải vận hành ở mức công suất thiết kế tối đa để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Chế độ vận hành của các nhà máy (lưu lượng, áp lực) hầu như không thay đổi, hoặc chỉ có thể điều chỉnh hạn chế theo mức cao điểm và thấp điểm trong ngày, bằng cách chỉnh vận hành theo các tổ bơm. Sau khi các nhà máy nước mới như BOO Thủ Đức, Kênh Đông… đưa vào vận hành bổ sung nguồn nước sạch cho TP lại xảy ra tình trạng không cân đối giữa chế độ vận hành cấp nước của các nhà máy nước và nhu cầu tiêu thu nước sạch trên mạng lưới, dẫn đến tổn hao năng lượng trong truyền tải nước, không đảm bảo an toàn cho hoạt động của các nhà máy và mạng lưới cấp nước. Từ quá trình nghiên cứu, Sawaco đã đưa vào sử dụng  máy biến tần cho 2 bơm chính của Nhà máy nước Thủ Đức và 2 máy biến tần cho 2 bơm chính nước sạch của Nhà máy nước Tân Hiệp.
Các dự án này đã giúp nhà máy điều chỉnh chế độ vận hành bơm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của mạng lưới cấp nước, tiết kiệm đáng kể điện năng trong quá trình vận hành. “Đây là một trong những giải pháp kỹ thuật công nghệ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực và có thể triển khai ứng dụng rộng rãi đối với tất cả nhà máy nước hiện hữu cũng như nhà máy nước sẽ xây dựng trong tương lai”, ông Bùi Thanh Giang phân tích.   
Đột phá công nghệ của ngành cấp nước TPHCM ảnh 1  Sawaco di dời thành công ống cấp nước D2.000 bằng công nghệ hiện đại
Hướng đến tự động hóa, hiện đại hóa 
Ngoài ra, một số ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại khác của Sawaco cũng được tập trung thực hiện; trong đó có việc triển khai SAWAGIS cho hệ thống cấp nước TPHCM. Nếu như trước đây hệ thống cơ sở dữ liệu, lịch sử quản lý tài sản mạng cấp nước được lưu trữ rời rạc, phụ thuộc vào các đơn vị quản lý địa bàn cấp nước, thì với hệ thống quản lý mới này, các thông tin cơ sở dữ liệu hệ thống cấp nước sẽ được thể hiện tập trung, đầy đủ và cập nhật thường xuyên. SAWAGIS chính là nền tảng để tích hợp các phần mềm tác nghiệp khác như quản lý khách hàng, quản lý chất lượng nước, mô hình thủy lực… Hiện nay, hệ thống đang trong giai đoạn hoàn thiện, khi đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả quan trọng, làm thay đổi trình độ quản lý, vận hành mạng cấp nước của Sawaco. 
Một ứng dụng quan trọng khác là Sawaco đã chuyển đổi thành công sử dụng PAC lỏng làm chất keo tụ, thay thế cho phèn nhôm đã đem lại nhiều hiệu quả cho việc sản xuất nước sạch. Sawaco cũng ứng dụng thành công phần mềm thủy lực WATERGEMs với nhiều tính năng vượt trội, tạo bước ngoặt trong việc ứng dụng phần mềm mô phỏng thủy lực vào hoạt động quản lý, vận hành, quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước. Với kết quả đạt được, Sawaco đã bước đầu chia sẻ kinh nghiệm triển khai áp dụng WATERGEMs cho các đơn vị cấp nước các tỉnh, thành và nhận được sự đánh giá cao. 
Cùng với đó, các giải pháp khai thác, bảo vệ nguồn nước bền vững cũng được Sawaco triển khai như nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước dự trữ, kết hợp với tiền xử lý nước thô phục vụ cấp nước; xây dựng các bể chứa phân phối cho mạng lưới cấp nước nhằm nâng cao khả năng quản lý vận hành, cải thiện áp lực và chất lượng nước, dự phòng ứng phó các tình huống khẩn cấp; cải tiến quy trình công nghệ xử lý nước: cải tạo bể lọc ở các nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp.
Song song đó là hiện đại hóa hệ thống vận hành, như trang bị hệ thống SCADA điều hành sản xuất cho các nhà máy nước; tự động hóa khâu châm hóa chất tại các nhà máy nước; trang bị hệ thống theo dõi chất lượng nước liên tục cho các nhà máy nước. Công tác tái cấu trúc mạng lưới cấp nước được thực hiện theo mô hình của các nước tiên tiến khi định hướng phân vùng tách mạng thành các khu vực DMZ, DMA hoàn chỉnh, nhằm tối ưu hóa về mặt thủy lực đối với cấu trúc mạng lưới, cải thiện áp lực chất lượng nước, giảm thất thoát nước, giảm tiêu hao năng lượng… Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nâng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc. Cụ thể, ngành cấp nước TP đã ứng dụng văn phòng điện tử S - Office để hỗ trợ hoạt động điều hành của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.       
Trong bước tiến dài, Sawaco đã hoạch định chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ; trong đó, mục tiêu đến năm 2025 là quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa.

Tin cùng chuyên mục