Đột phá để tiến xa hơn

Chưa có bao giờ, đội tuyển Việt Nam tham gia một sân chơi tầm vóc châu Á mà lại được kỳ vọng lớn như hiện nay. Chúng ta đang nói về khả năng vượt qua vòng đấu bảng, rồi tiến sâu vào Asian Cup 2019, nơi hội tụ những đội bóng và cầu thủ giỏi nhất châu lục.

Xét về hoàn cảnh, sau chức vô địch AFF Cup 2018 đầy thuyết phục thì chuyện đặt chỉ tiêu cao ở Asian Cup là đương nhiên. Với tư cách đội bóng số 1 Đông Nam Á, thành công ở đấu trường châu lục có thể được xem là bước đi tiếp theo đầy hợp lý. Xét về mặt chiến lược, điều này cũng phù hợp với mục tiêu vào tốp 15 châu Á trong tầm nhìn 2020-2030 mà Chính phủ đã đặt ra cho bóng đá Việt Nam. Còn riêng với góc độ con người, thì thế hệ cầu thủ đang dưới quyền huấn luyện của HLV Park Hang-seo có đủ tài năng để chơi bóng ở đẳng cấp châu lục, nhất là sau khi họ đã vào đến chung kết giải U23 châu Á cũng như nằm trong tốp 4 đội mạnh nhất Asiad trong năm 2018. Như vậy, về mặt lộ trình là không có gì bất ngờ.

Nhưng đã nói về “lộ trình” thì nghĩa là phải có những giai đoạn cụ thể, bối cảnh cụ thể và các mục tiêu rõ ràng. Nói đơn giản hơn: Nếu thành công ở Asian Cup 2019 thì sau đó chúng ta phải làm gì để tốt hơn? Còn trong trường hợp không vượt qua vòng đấu bảng, thì cần làm gì để cải thiện năng lực?

Ở cấp độ đội tuyển, nếu không tính các sân chơi cho cầu thủ trẻ như SEA Games, U23 châu Á thì cơ hội thi đấu của các tuyển thủ không nhiều. AFF Cup thì 2 năm mới tổ chức một lần, các vòng loại World Cup và Asian Cup thì 4 năm mới diễn ra. Đội tuyển Việt Nam hiện nay có một thuận lợi, đó là trong năm 2018, họ thi đấu được nhiều giải ở đẳng cấp cao, gần như liên tục, do đa số tuyển thủ còn trong độ tuổi U23. Nhờ vậy, việc giữ phong độ không quá khó. Nhưng nếu muốn phát triển lứa cầu thủ này lên một đẳng cấp khác trong thời gian tới, thì hoàn toàn phải dựa vào V-League, giải đấu mang tính xương sống của nền bóng đá, nhưng hiện còn rất nhiều vấn đề về tính chuyên nghiệp.

Không phải cầu thủ nào cũng có thể “xuất ngoại” chơi bóng như thủ thành Đặng Văn Lâm - người vừa được CLB hàng đầu Thái Lan tuyển mộ. Sau khi đã “bơi ở biển lớn” là Asian Cup 2019, đa số cầu thủ sẽ phải tìm cách “vùng vẫy” tại sân chơi V-League. Ở mùa trước, CLB Hà Nội có 8-9 tuyển thủ quốc gia đã về đích sau khi bỏ xa đội về nhì đến 18 điểm, vì vậy mà nhiều khả năng mùa này họ lại tiếp tục giành chiến thắng một cách dễ dàng với dàn tuyển thủ xuất sắc của mình. Nếu đúng như vậy, thì đâu là động lực cạnh tranh cho những ngôi sao như Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Duy Mạnh…

Nếu ở cấp độ đội tuyển, bóng đá Việt Nam đang có một HLV Park Hang-seo nâng tầm cầu thủ thì có lẽ V-League cũng cần có nguồn chất xám ở đẳng cấp cao để cải thiện chất lượng của giải đấu này. Cách đây 5 năm, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã mời 2 chuyên gia đến từ Nhật Bản để điều hành và tư vấn cho V-League, nhưng sau đó họ đều ngừng công việc trong sự im lặng. Những bản báo cáo của họ, các kinh nghiệm của họ liệu có được áp dụng không, có hiệu quả không? Chẳng ai biết cả! Đáng nói hơn là cũng không ai nhắc đến việc phải mời chuyên gia sang hỗ trợ cho V-League một lần nữa dù năm nào giải đấu này cũng phải mời trọng tài ngoại sang cầm còi.

Để có một đội tuyển mạnh như hiện nay là kết quả của quá trình đào tạo cầu thủ theo tiêu chuẩn châu Âu, là sự đầu tư dài hơi của một số doanh nghiệp và sự xuất hiện đúng lúc của HLV Park Hang-seo. Với V-League cũng thế. Muốn thay đổi chất lượng thì phải làm lại nền tảng của từng CLB, phải có thêm các nguồn thu tài chính và cần một “bộ não” ở trình độ cao trong quản lý, điều hành. Nếu các CLB chỉ cần đáp ứng một vài tiêu chí cơ bản, tìm vừa đủ tiền trang trải hoạt động, thi đấu chỉ cần trụ hạng mà không cần khán giả, doanh thu… thì V-League sẽ vẫn như một sân chơi “đến hẹn lại lên” với phần lớn các trận đấu chưa thật hấp dẫn. Trong môi trường ấy, những tài năng đã thành danh sẽ ít có cơ hội phát triển, còn các cầu thủ khác thì cũng khó mà tìm được chỗ đứng cho mình, nhất là cầu thủ trẻ.

Thực tế là sau gần 20 năm V-League ra đời đến nay, chỉ mới có 5 cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu; một CLB duy nhất vào đến bán kết của AFC Cup, giải đấu cấp CLB hạng 2 của châu Á. Những con số đó cho thấy, khoảng cách rất xa giữa V-League với chính đội tuyển quốc gia. Không thể vào tốp 15 châu Á chỉ bằng niềm tin và một lứa cầu thủ đặc biệt. Muốn tiến xa ra biển lớn thì phải được bơi thường xuyên ở sông chứ không thể rèn luyện trong cái ao nhỏ bé mãi. 

Tin cùng chuyên mục