Đột phá thể chế để phát triển đặc khu

 
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ diễn ra ngày 22-8, một dự án luật dư luận hết sức quan tâm đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến, đó là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trước đó, vào đầu tháng 8, Thường trực Chính phủ cũng đã có phiên họp riêng về dự án luật này, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo kế hoạch, dự luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm nay và xem xét thông qua vào năm 2018, tạo khuôn khổ pháp lý để phát triển 3 đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách. Kết quả đánh giá tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo luật) cho thấy, sau năm 2020, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ có đóng góp rất lớn về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030. 
Tại Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030. Tại Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Để đạt được những kỳ vọng như trên, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thiết kế với những quy định, thể chế đột phá tạo ưu thế vượt trội cho các đặc khu phát triển kinh doanh và thu hút đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ chỉ có Ủy ban hành chính một cấp, không có Hội đồng nhân dân. Chức năng lập pháp hay kiểm tra sẽ giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải, việc bỏ bớt một cấp như vậy sẽ tạo ra cơ chế vượt trội về chính quyền, thu hút nhà đầu tư quốc tế, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cả 3 đặc khu kinh tế đều được cho phép đầu tư thí điểm lĩnh vực đặc thù casino. Tất nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 3 đặc khu này không chỉ lập ra để kinh doanh du lịch, mà còn phát triển rất nhiều ngành nghề, theo từng khu vực sao cho phù hợp với tiềm năng, chiến lược phát triển của từng khu để có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh nhau; đồng thời phù hợp với nhu cầu trên thế giới như dịch vụ, du lịch, trung tâm tài chính, khu trung chuyển, logistics, công nghệ cao, nghỉ dưỡng, mua sắm, bán lẻ… Song song với đó, thời hạn giao đất và thuê đất tại các đặc khu cũng sẽ có những thay đổi phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay, luật pháp đã quy định thời hạn cho thuê đất là 50 năm, trừ trường hợp đặc biệt là 75 năm. Tuy nhiên, tại phiên họp hồi đầu tháng 8, Thường trực Chính phủ đã thống nhất sẽ tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm.

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội, nhưng tinh thần chung Chính phủ thống nhất cao là thể chế cho các đặc khu kinh tế phải thực sự đột phá, vượt lên trên các quy định pháp luật hiện hành. Đây cũng là quan điểm được giới chuyên gia đưa ra khi được mời đóng góp ý kiến vào dự án luật. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thể chế cho đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Muốn vậy, hệ thống thể chế, chính sách phải tạo ra một cách ít nhất các rào cản mà vẫn đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro. Tại các đặc khu cần có tòa án dân sự, thương mại độc lập; đồng tiền sử dụng là tất cả các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng của Việt Nam, không hạn chế tiền mặt mang vào, mang ra; chỉ áp dụng thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, không thuế quan cho hoạt động xuất nhập khẩu, miễn visa cho phần lớn khách đến... Trong khi đó, TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất để phát triển đặc khu không phải là ưu đãi hay khuyến khích tài khóa, mà là một môi trường thể chế, chính sách thông thoáng, ổn định và có thể dự báo được. Nhấn mạnh quá mức vào ưu đãi tài chính có thể dẫn tới hệ quả ngược, đó là chỉ thu hút được các doanh nghiệp “chân chạy” (foot-loose), chạy từ chỗ này qua chỗ khác, từ nước này qua nước khác để tìm kiếm ưu đãi vượt trội. 

Tin cùng chuyên mục