Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại thiếu vốn thi công

Đến nay, dù liên danh các nhà thầu đã bỏ ra gần 2.500 tỷ đồng, UBND tỉnh Tiền Giang đã tạm ứng 173 tỷ đồng để thực hiện dự án, nhưng nguồn vốn Nhà nước ghi cho dự án là 2.186 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân.

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay cho dự án khoảng 9.000 tỷ đồng vẫn chưa thu xếp được. Nếu tháng 8 này nguồn vốn không được khơi thông, nguy cơ dự án sẽ bị ngừng triển khai.

Trên công trường thi công gói thầu XL-06 Dự án xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: TTXVN
Lùng nhùng điều khoản vay


Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng cho biết, sau 10 năm khởi động, dự án tại thời điểm tiếp nhận tiến độ chỉ mới thực hiện được 10% khối lượng công việc. Trong khi đó, chỉ 3 tháng tái khởi động (từ tháng 4-2019), các đơn vị thi công đã thực hiện được 25% khối lượng dự án. Hiện tại, các nhà thầu đã huy động mọi nguồn lực cũng như trang thiết bị, máy móc để cùng với nhà đầu tư quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, các nhà thầu lo ngại, nếu tháng 8 tới đây, ngoài nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, vốn tín dụng không khai thông, thì các nhà thầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Mai Mạnh Hồng cho biết, về hợp đồng tín dụng, nhà đầu tư đã làm việc với ngân hàng tài trợ vốn thẩm định phương án tài chính và tháo gỡ các điều kiện tín dụng còn vướng. Tuy nhiên, các điều khoản ngân hàng đặt ra còn nhiều điểm chưa hợp lý, khó thực hiện trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, liên danh các nhà đầu tư đã đề nghị VietinBank (ngân hàng đầu mối) thẩm định và tháo gỡ các vướng mắc của hợp đồng tín dụng. Đồng thời, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã có ý kiến khẳng định việc khơi thông nguồn vốn vay là rất quan trọng, có tính chất then chốt, quyết định đối với dự án và đề nghị VietinBank tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của hợp đồng tín dụng và sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trước đó, ngày 31-5-2019, VietinBank - CN4 (ngân hàng đầu mối cấp tín dụng) có văn bản số 1365/CV-PKHDNL-CN4 về việc xem xét chủ trương cấp tín dụng đối với dự án đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong đó, VietinBank đưa ra các yêu cầu rất khó khăn và chưa phù hợp, đặc biệt là cơ cấu nguồn vốn. Cụ thể, đối với phần vốn ngân sách nhà nước tham gia, ngân hàng yêu cầu đảm bảo 2.575 tỷ đồng (tương ứng 20,5% tổng mức đầu tư). Trong khi đó, phần vốn Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho dự án là 2.186 tỷ đồng thì việc cân đối bố trí thêm vốn Nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn hiện nay cần có sự đồng ý của Chính phủ.

Đối với phần vốn chủ sở hữu, ngân hàng yêu cầu mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% tổng vốn đầu tư (bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước) khoảng 3.765 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với 20% mức áp dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án khác có mức tối thiểu theo quy định tại Điều 10, Nghị định 63/2018/NĐ-CP là khoảng 12% - 15%). Mặt khác theo quy định, phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để làm cơ sở xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư tham gia vào dự án. 

Tuy nhiên, theo cách tính của ngân hàng, phần vốn cho vay sẽ bao gồm cả phần vốn ngân sách đã hỗ trợ dẫn đến vốn chủ sở hữu yêu cầu đối với nhà đầu tư tham gia dự án là bất hợp lý. Đối với phần vốn vay tín dụng, việc yêu cầu vốn chủ sở hữu 30%, vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước 20,5% thì ngân hàng chỉ cho vay tối đa 49,5% tổng vốn đầu tư (khoảng 6.210 tỷ đồng, không bao gồm thuế GTGT), ngân hàng còn yêu cầu nhà đầu tư đàm phán với các tổ chức tín dụng khác để cho vay phần thuế GTGT và gửi thông báo cam kết cấp tín dụng (khoảng 930 tỷ đồng) đến ngân hàng đầu mối trước ngày giải ngân đầu tiên. Đây là yêu cầu rất khó đáp ứng khi thời gian hoàn thuế VAT phụ thuộc vào việc giải quyết của cơ quan thuế và khả năng ngân sách.

Không tăng lãi suất trong lúc dự án đang triển khai

Mặc dù các vướng mắc về pháp lý, lãi vay… trước đây đã được nhà đầu tư giải quyết cơ bản, nhưng với các yêu cầu tiếp theo của ngân hàng, rất khó khăn để nhà đầu tư tiếp cận được vốn tín dụng trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã gửi văn bản kiến nghị VietinBank xác định khả năng tài trợ vốn để hoàn thành việc thẩm định và điều chỉnh hợp đồng tín dụng trước ngày 30-7 này; xác định tỷ lệ cho vay phù hợp với Nghị định 63. Đồng thời, xem xét cơ cấu lại các ngân hàng đồng tài trợ theo hướng giảm số lượng ngân hàng, tránh việc đưa nhiều điều kiện cho vay chưa phù hợp gây khó khăn cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thống nhất áp dụng lãi suất như Điều 10 của Phụ lục hợp đồng dự án đã ký giữa UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án ngày 8-5-2019. 

Theo thông báo Kết luận số 99/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách, chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang), sớm đưa dự án thông tuyến vào năm 2020. Đến nay, nguồn vốn ngân sách 2.168 tỷ đồng đã được Chính phủ trình và đang chờ Quốc hội phê duyệt.

Thực hiện việc giải ngân ổn định không tăng lãi vay trong thời gian xây dựng, chỉ tăng hoặc dừng giải ngân khi có ý kiến cụ thể của Chính phủ. Trong trường hợp xét thấy tính khả thi dự án, năng lực nhà đầu tư, các yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đặc biệt việc hỗ trợ vốn của ngân sách nhà nước không đảm bảo điều kiện cho vay, cần có ý kiến cụ thể tránh để kéo dài sẽ dẫn đến không hoàn thành việc thông tuyến năm 2020 như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và kỳ vọng của người dân.


Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã đề cao trách nhiệm, quan tâm đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp để dự án sớm hoàn thành và xem đây là nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, dự án có khả năng “ngừng triển khai” do nguồn vốn vay không được giải ngân nếu các bên không tìm được tiếng nói chung. Như vậy, mục tiêu thông tuyến vào năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khó thành hiện thực!

Đường đã thành hình

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tiền Giang, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đã bàn giao mặt bằng sạch 50,64/51,1km; còn lại 411/3.292 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ. Cụ thể, huyện Cái Bè còn 371 hộ, huyện Châu Thành còn 38 hộ, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy mỗi địa phương còn 1 hộ do chưa thống nhất giá bồi thường; riêng huyện Tân Phước, 130 hộ đã nhận tiền đầy đủ. 

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại thiếu vốn thi công ảnh 2 Bộ GTVT kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: QUỐC HÙNG
Đến nay, Tiền Giang đã bàn giao mặt bằng trên tuyến chính đạt 99,09%; còn lại 455m chưa bàn giao (trong đó huyện Cái Bè còn 290m thuộc nút giao An Thái Trung; huyện Cai Lậy còn 165m). UBND tỉnh Tiền Giang đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Về tiến độ triển khai các gói thầu, theo báo cáo của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay với các gói thầu xây lắp, đã thẩm định và phê duyệt hồ sơ 21/25 gói thầu, còn lại 4 gói đang thực hiện, gồm: Hệ thống an toàn giao thông và hộ lan, hệ thống chiếu sáng, trạm thu phí và thiết bị trạm thu phí; đã hoàn thành công tác lập hồ sơ dự toán 21/25 gói thầu. Doanh nghiệp dự án đã tổ chức phê duyệt tạm dự toán 21/25 gói thầu. Đến nay, đã tổ chức triển khai thi công 19 gói thầu xây lắp.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, hầu hết chiều dài dự án đã thi công phần nền đường, các nút giao thông đang dần hoàn thiện. Hiện tại công tác tập kết vật liệu đang diễn ra khẩn trương bằng đường sông. Tuy nhiên, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết dự án vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thông tuyến vào năm 2020, chủ yếu là do nguồn vốn.

Ngày 12-6 vừa qua, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức đại hội cổ đông để cơ cấu lại các cổ đông tại doanh nghiệp dự án. Theo đó, các cổ đông Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty CP Tập đoàn Thắng Lợi và Công ty CP Hoàng An đã bị loại do không còn sở hữu vốn tại doanh nghiệp dự án theo ý kiến của thanh tra thuế, cơ quan công an và yêu cầu của ngân hàng tài trợ vốn. Hiện tại, còn lại 3 cổ đông gồm: Công ty CP Đầu tư cầu đường CII, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận:

Với dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nguồn vốn là quan trọng nhất. Đến tháng 8-2019, nếu vốn hỗ trợ của nhà nước và vốn vay tín dụng không được giải ngân thì chắc chắn dự án không thể tiếp tục thi công.

Ông Phạm Hoàng Mỹ, Giám đốc Điều hành Công ty Tuấn Lộc (nhà đầu tư):

Chúng tôi mong muốn các cơ quan phê duyệt nguồn vốn để nhà thầu đáp ứng tiến độ. Tiến độ thi công hiện nay đang đảm bảo, đạt 25%. Hiện nay, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn tự lực. Nếu vốn tín dụng chậm giải quyết, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn và khó đảm bảo tiến độ như cam kết. 

Ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Điều hành Công ty BMT (nhà đầu tư):

Gói thầu mà chúng tôi đang thi công đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, đạt 53% khối lượng thi công. Về phần vốn, từ lúc thực hiện đến nay, Công ty BMT phải tự ứng vốn để triển khai. Phần vốn do chủ đầu tư thanh toán chưa được 30%. 

Tin cùng chuyên mục