Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Theo nhà đầu tư, điều lo lắng nhất hiện nay là mặt bằng để thi công kè. Hiện tại, diện tích đất của 335 hộ dân và 20 tổ chức, doanh nghiệp chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng.

“Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trên địa bàn TPHCM sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào 30-4-2018” - đây là khẳng định của Tổng Giám đốc Trung Nam Group Nguyễn Tâm Tiến tại cuộc họp báo chiều 19-5.

Tuy nhiên, theo nhà đầu tư, điều lo lắng nhất hiện nay là mặt bằng để thi công kè. Hiện tại, diện tích đất của 335 hộ dân và 20 tổ chức, doanh nghiệp chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng và Tổ công tác giám sát, hỗ trợ cho dự án trực thuộc UBND TPHCM và các quận huyện đang đẩy nhanh các biện pháp để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án.

Về tiến độ dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” đã triển khai xây dựng đồng loạt các cống kiểm soát triều đạt 37% khối lượng thi công.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chậm tiến độ do vướng mặt bằng ảnh 1 Cống kiểm soát ngăn triều rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa tại khu vực phường 16, quận 8, TPHCM
Hiện tại dự án đang huy động 1.850 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động, trong đó có 12 chuyên gia nước ngoài, cùng với 950 thiết bị máy móc, 67.000 tấn thép.
Do sử dụng chất liệu thép của Nhật Bản nên mặc dù khoan sâu 20m dưới lòng sông, nhưng công trình không bị xé do áp lực nước.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân và đơn vị chưa bàn giao mặt bằng như cống kiểm soát triều Tân Thuận (2 doanh nghiệp), cống Phú Xuân (14 hộ dân và 2 doanh nghiệp), cống Mương Chuối (99 hộ), cống Cây Khô (95 hộ), cống Phú Định (16 hộ và 1 tổ chức), đê kè, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm (198 hộ và 12 doanh nghiệp).

Trong quá trình thi công, Trung Nam Group đã phối hợp với các lực lượng chức năng của TP điều tiết giao thông thủy, phân luồng cho tàu thuyền của người dân, đơn vị doanh nghiệp qua lại.

Đối với việc xử lý bùn nạo vét, do đa số bùn từ cửa sông, mức độ nguy hại không nhiều nên không phải qua xử lý. Trung Nam Group đã đổ bùn về bãi tập kết ở xã Phước Kiển, Hiệp Phước huyện Nhà Bè và xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Về vấn đề thanh toán quỹ đất, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, TP sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 84% giá trị tiền mặt, còn 16% bằng quỹ đất. Hiện TP đang tiến hành thủ tục thẩm định giá trị một số khu đất để chỉ định hoặc cho chủ đầu tư lựa chọn, tương đương số vốn mà chủ đầu tư bỏ ra làm dự án.

Dự án được khởi công từ tháng 6-2016 với quy mô vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục: 8 cống kiểm soát triều, 7,8 km đê kè và nhiều hạng mục phụ trợ, điều hành… với mục tiêu điều tiết nguồn nước do triều cường và mưa lớn, giúp giảm ngập đô thị trên diện tích 570ha với 5,6 triệu người dân sinh sống thuộc nhiều quận huyện.

Tin cùng chuyên mục