Dự án hai tuyến buýt đường sông TPHCM: Cần cơ chế ưu đãi

Đó là điều chính yếu đọng lại sau cuộc họp sáng 15-9 tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM về dự án hai tuyến buýt đường sông do Công ty TNHH Thường Nhật - nhà đầu tư - trình lên các cấp thẩm quyền TPHCM. Tuyến thứ nhất chạy theo trục Bắc Nam, bắt đầu từ Thủ Đức - Bình Lợi - Thanh Đa - sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng) - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đĩa - rạch Dơi - sông Phú Xuân. Ưu điểm của tuyến là có hạ tầng kỹ thuật chạy tàu tốt khi toàn tuyến chủ yếu đi trên sông Sài Gòn và một đoạn ngắn kênh Thanh Đa.

Đây là tuyến vận tải thủy do trung ương quản lý và có thể vận hành được bằng tàu có sức chở lớn. Trong khi đó, tuyến thứ 2 sẽ chạy theo trục Đông Tây, với lộ trình Bến Nghé - Tàu Hũ. Chiều dài tuyến và thời gian chạy tàu trên tuyến này giống hệt như tuyến thứ nhất, chỉ khác là sẽ sử dụng tàu thủy trung bình có quy mô khoảng 80 ghế để vận chuyển hành khách.

Hai tuyến buýt đường sông này cần có 4 bến hành khách đa chức năng và cụm 12 bến nhỏ chuyển tiếp khách dọc tuyến. Bến đa chức năng cũng chính là trung tâm điều khiển chạy tàu, điểm neo đậu tàu, đồng thời thiết lập hàng loạt hạng mục liên quan như: văn phòng làm việc, bãi giữ xe gắn máy, băng ghế chờ, quầy giao dịch du lịch, hàng lưu niệm, quầy giải khát… Theo phương án của nhà đầu tư, giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt. Giám đốc Nguyễn Kim Toản của Công ty Thường Nhật cho rằng mức giá đó đã có tính toán bù lỗ từ các hoạt động kinh doanh của 4 bến đa chức năng cũng như được trù liệu với giả định lượng hành khách đạt 70% số ghế/chuyến hành trình.

Tuy nhiên, với mức giá 15.000 đồng/vé, lượng hành khách chịu từ bỏ phương tiện cá nhân để đến với buýt đường sông chắc chắn sẽ rất hạn chế. Chính vì thế, giá vé tất yếu phải hạ xuống. Có ý kiến cho rằng nên “chẻ” nhỏ giá vé tùy theo cự ly hành trình để phù hợp với “sức mua” của hành khách. Chẳng hạn, định ra giá vé cho khách đi từ 1/3 lộ trình trở lại; giá vé cho khách đi 1/2 tuyến và cuối cùng là giá vé đi toàn tuyến. Cũng có ý kiến khác cho rằng, giá vé nên giảm xuống còn khoảng 4.000 - 5.000 đồng/lượt, bù lại Nhà nước sẽ trợ giá để đảm bảo nhà đầu tư không bị thua lỗ. Theo nhận xét của ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý Giao thông thủy, Sở GTVT TPHCM, khả thi nhất là chính quyền xem xét cho phép miễn giảm thuế kinh doanh tại các bến đa chức năng. “Đó chính là một nguồn thu hoàn vốn cho nhà đầu tư và là khoản trợ giá gián tiếp từ Nhà nước”, ông Bằng nói thêm.

Về phần mình, Công ty Thường Nhật đề xuất UBND TPHCM cho phép doanh nghiệp được hoạt động độc quyền trong thời gian đầu. Ông Nguyễn Kim Toản giải thích rằng, đó là quãng thời gian cần thiết để nhà đầu tư khai phá luồng tuyến hoàn vốn trước khi có thêm nhà đầu tư khác cùng tham gia khai thác trên chính tuyến ấy.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục