Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam có tính khả thi cao ​

Chiều 22-5, làm việc tại hội trường, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quóc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động… của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008; đồng thời bổ sung, làm rõ hơn các vấn đề về vị trí “nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển” của lực lượng cảnh sát biển; khẳng định rõ hơn về chức năng “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển” của lực lượng này.

“Thực tiễn 20 năm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Cảnh sát biển Việt Nam bằng các biện pháp dân sự, hòa bình (ngoại giao, chính trị, nghiệp vụ…, trong đó biện pháp pháp luật là chủ yếu), điển hình như vai trò của Cảnh sát biển trong vụ việc giàn khoan HD981/2014, làm giảm căng thẳng, tránh xung đột vũ trang trên biển, nhưng vẫn đạt được mục đích là bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và góp phần giữ vững an ninh, hoà bình vùng biển Việt Nam”, đồng chí Ngô Xuân Lịch khẳng định.

Vẫn theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam như quy định trong dự thảo Luật đã đảm bảo tương đồng với chức năng của cảnh sát biển các quốc gia khác. Kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới như (Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Ấn Độ…) đều quy định về lực lượng Cảnh sát biển/lực lượng thực thi pháp luật trên biển bằng văn bản luật, giao cho lực lượng này các sứ mệnh, trọng trách bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt nhận định, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh Lực lượng CSBVN năm 2008, về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của lực lượng CSBVN hiện nay. Dự án Luật đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan. Theo đó, dự án Luật có tính khả thi cao. 

Cũng trong buổi chiều 22-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, sau khi được bổ sung, chỉnh lý hoàn chỉnh, dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.

Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đã có gần 20 ý kiến góp ý về dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi, tập trung vào các vấn đề như “chiến tranh thông tin”, “chiến tranh mạng”, các quy định về thiết quân luật, về khu vực phòng thủ, công nghiệp quốc phòng.

Đáng lưu ý, nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề kết hợp gữa quốc phòng với kinh tế xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng. ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhận định: “Việc quân đội tham gia phát triển kinh tế xã hội là phù hợp với Hiến pháp, pháp luật cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Hiệu quả tham gia lao động, làm kinh tế của quân đội đã được khẳng định. Quân đội làm kinh tế là góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội, trước hết là cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ”.

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cũng cho rằng việc kết hợp quốc phòng và kinh tế xã hội là tất yếu, nhưng đề nghị rà soát nội dung dự thảo để đảm bảo sự thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch) và cho rằng Luật này chỉ nên đưa ra những nguyên tắc mà không quy định quá “cứng”. Do hoạt động kinh tế của quân đội có liên quan đến môi trường đầu tư, nên bên cạnh những vấn đề Bộ Quốc phòng quyết định, các dự án kinh tế quốc phòng đồng thời cũng cần sự thẩm định, phê duyệt của các bộ ngành theo quy định pháp luật chung – ông Ngô Trung Thành nhấn mạnh.

Các ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cùng chung quan điểm này. ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu: “Rất mong tinh thần này được thể chế vào các luật khác nữa”.

Tiếp thu nghiêm túc các ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết sẽ rà soát dự thảo Luật để bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp tình hình mới, tuân thủ Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.

Tin cùng chuyên mục