Dự án vì trẻ em của chàng trai khiếm thị

Sau 6 tháng tìm tòi, chắt lọc, “Em cần bảo vệ” đã ra đời, từ đó nhà trường và phụ huynh có thêm một kênh mới để hướng dẫn con em cách tự bảo vệ bản thân.
Chàng trai khiếm thị Đinh Văn Lộc, tác giả chính của dự án “Em cần bảo vệ”
Chàng trai khiếm thị Đinh Văn Lộc, tác giả chính của dự án “Em cần bảo vệ”

“Tuổi thơ là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, thế nhưng không ít em nhỏ đã phải chịu thiệt thòi, thậm chí là sang chấn tâm lý khi bị xâm hại tình dục. Tôi luôn nghĩ rằng, mình phải làm gì đó để giúp các em phòng tránh những hành vi xấu ấy, để các em không phải gánh chịu những hậu quả đau lòng”, Đinh Văn Lộc, sinh viên năm 4 khoa Quản lý giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM, tác giả của dự án “Em cần bảo vệ” chia sẻ.

Dạy các em tự bảo vệ

Một ngày đầu năm 2019, chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8) mang theo bánh, kẹo tặng các em học sinh sau giờ tan học. Thật ngạc nhiên khi nhiều em từ chối nhận quà, có em còn lễ phép cảm ơn rồi dõng dạc nói: “Con không nhận quà của người lạ đâu, hôm bữa con đọc cẩm nang nói nhận quà của người lạ sẽ bị nguy hiểm đó”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị Đặng Phan Kiều My (ngụ quận 8) đang đứng đợi rước con tại cổng trường cho biết, đó là cuốn cẩm nang “Em cần bảo vệ” của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM mới thực nghiệm tại trường cách đây mấy tháng. Theo chị Kiều My, dù các cô giáo và cha mẹ có dặn dò phải đề phòng người lạ, dạy cách nhận biết người xấu, hành vi xấu nhưng với lứa tuổi hiếu động, tụi nhỏ cũng nhanh chóng quên. Từ khi được các anh chị sinh viên hướng dẫn, cho các bé chơi game, xem video và tặng cẩm nang dạy cách phòng tránh xâm hại thì trẻ lại nhớ rất kỹ. 

Dự án “Em cần bảo vệ” với khẩu hiệu “Hãy bảo vệ trẻ em - Ngay khi còn có thể” của Đinh Văn Lộc cùng nhóm bạn đoạt giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2018 và giải nhất lĩnh vực giáo dục thuộc giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018 của Thành đoàn TPHCM tổ chức.

Dự án gồm 3 phần, được đăng tải trên website riêng. Phần cẩm nang ngoài cung cấp các kiến thức về các bộ phận trên cơ thể, các quy tắc an toàn để trẻ nhận biết đâu là “vùng riêng tư”, những đối tượng nào phải tránh xa cũng như các bài tập xử lý tình huống liên quan đến cách phòng tránh xâm hại tình dục, thì còn có nội dung hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh cách thức cùng trẻ phòng tránh xâm hại tình dục, những địa chỉ có thể liên hệ và các quy định của pháp luật liên quan. Phần video thời lượng hơn 7 phút là những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh giúp trẻ tiếp cận cách xử lý tình huống theo lối trực quan, dễ nhớ, dễ hình dung. Phần game mi ni gồm 44 câu hỏi, cơ sở dữ liệu liên quan đến giáo dục giới tính và những tình huống nhằm kiểm tra kiến thức mà trẻ đã được tiếp cận từ cẩm nang và video.

Với chương trình thiết thực, phong phú nội dung, đa dạng hình thức và có khả năng giúp trẻ nhỏ ghi nhớ những lời hướng dẫn, website “Em cần bảo vệ” hiện được nhiều phụ huynh và giáo viên tiểu học truy cập để tham khảo, lồng ghép giáo dục cho các em qua các câu chuyện sinh hoạt thường ngày. 

Khiếm thị không là rào cản

Là người khiếm thị, chàng sinh viên Đinh Văn Lộc luôn trăn trở với nhiều vấn đề còn tồn tại trong cuộc sống. Lộc trải lòng: “Khiếm thị không phải là rào cản để những người như em cống hiến cho xã hội”. Bởi vậy, ngay từ khi vào đại học, Lộc đã thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học. Bằng kiến thức, kỹ năng sử dụng thành thạo máy vi tính và hơn hết là bằng nhiệt huyết, cái tâm của mình, Lộc đã có nhiều công trình nghiên cứu.

Lộc kể, giữa năm 2017, nghe báo đài liên tục đăng tải thông tin không ít trẻ bị xâm hại tình dục, có những em mới chỉ vài ba tuổi. Tuổi thơ của những đứa trẻ bị xâm hại tình dục sẽ rất thiệt thòi, có những bé bị trầm cảm, bị ám ảnh và lớn lên với sự mất mát không gì bù đắp được. Đây là hành vi quá xấu trong xã hội. Lộc cố gắng tìm kiếm thông tin, nhưng thông tin quá ít. Có chăng chỉ là những cách thức chung chung của các chuyên gia tâm lý trên báo hoặc những video hướng dẫn trực quan sinh động nhưng đối tượng hướng đến lại là trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, còn trẻ trong độ tuổi tiểu học lại rất hiếm. Lộc nảy sinh ý tưởng làm một dự án về cách phòng chống xâm hại tình dục dành cho trẻ từ 6 - 11 tuổi.

Chia sẻ ý tưởng với bạn bè và được ủng hộ, cả nhóm nhanh chóng bắt tay vào thực hiện dự án với mong muốn cái ác, cái xấu trong xã hội “không còn đất sống”. Theo Lộc, khó khăn nhất của dự án là quá ít tài liệu bằng tiếng Việt dạy trẻ cách phòng tránh xâm hại tình dục, nhất là những tài liệu mang tính nghiên cứu khoa học, có tính ứng dụng cao. “Lúc đó cả nhóm cũng hoang mang lắm. Hàng chục câu hỏi cứ xoáy trong đầu, không lẽ chịu thất bại, bó tay để những hành vi xấu xa ấy có cơ hội tiếp tục tái diễn”. May mắn, cả nhóm được một giảng viên trong trường hướng dẫn, gợi mở bằng những tài liệu nước ngoài. Lộc và các bạn lao vào “lục tung” các nguồn tài liệu tiếng Anh, chọn lọc các thông tin phù hợp với người Việt. 

“Chúng tôi phải chắt lọc, tổng hợp và tham khảo ý kiến của thầy cô để có khung dành riêng cho trẻ từ 6 - 11 tuổi ở Việt Nam”, Lộc tâm tình.

Sau 6 tháng tìm tòi, chắt lọc, “Em cần bảo vệ” đã ra đời, từ đó nhà trường và phụ huynh có thêm một kênh mới để hướng dẫn con em cách tự bảo vệ bản thân. Sắp tới, Lộc và nhóm của mình sẽ tiếp tục nâng chất dự án “Em cần bảo vệ” về cả nội dung trong cẩm nang, xây dựng video thành phim hoạt hình và tìm tòi, bổ sung thêm cơ sở dữ liệu trong game mi ni; đồng thời mở thêm các tiểu mục tiếp nhận thông tin, hỏi đáp, trở thành kênh thông tin hữu ích hơn của các gia đình.

Tin cùng chuyên mục