Du lịch - thế mạnh của Tây Ninh

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW khóa XII ngày 16-1-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 68 CTr/TU ngày 5-10-2017 đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch và bước đầu đã có những kết quả tích cực. 
Trong 2 năm qua, tỉnh Tây Ninh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án DL trọng điểm, như Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án khách sạn 5 sao và Trung tâm Thương mại Vincom, Tổng công ty MB Land đầu tư dự án văn phòng, Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án Bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phát triển DL sinh thái tại Đảo Nhím thuộc hồ Dầu Tiếng… Trong số đó, khách sạn Sunrise do Công ty TNHH XNK - Thương mại - Công nghệ - Dịch vụ Hùng Duy (thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đầu tư đã được đưa vào sử dụng từ tháng 10-2017. Với vị trí ngay trung tâm TP Tây Ninh, khách sạn đạt chuẩn 4 sao đầu tiên của tỉnh sẽ là cú hích quan trọng để du khách khắp nơi đến với tỉnh này. 
Một số tuyến đường huyết mạch để giúp phát triển DL cũng đã hoàn thành, gồm đường Điện Biên Phủ, vành đai núi Bà Đen, quốc lộ 22B (đường Xuyên Á), đường 782-784... Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành trùng tu, sửa chữa một số công trình thiết chế văn hóa và khu DL, tiêu biểu là Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam… 
Với các giải pháp quan trọng trên, tỉnh Tây Ninh đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành DL tăng bình quân từ 17%/năm trở lên, tổng doanh thu từ khách DL đạt 2.500 tỷ đồng (với khoảng hơn 4 triệu lượt khách tham quan), thu nhập DL (GDP DL) đạt từ 2.000 tỷ đồng trở lên, khách lưu trú bình quân từ 15% - 16%; trong đó, khách quốc tế và khách tham quan tăng 15% và thời gian khách quốc tế lưu trú đạt bình quân 2 ngày/ khách. 
Du lịch - thế mạnh của Tây Ninh ảnh 1 Sinh viên đại học đến từ TPHCM tham quan thắng cảnh Tây Ninh
Tỉnh Tây Ninh cũng đề ra 10 giải pháp quan trọng; trong đó có việc đầu tư phát triển, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo nét đặc sắc, độc đáo riêng của địa phương. Đồng thời, xây dựng chiến lược marketing du lịch chuyên nghiệp, đẩy mạnh đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong thông tin, quảng bá, xúc tiến DL.
Theo đó, tỉnh phát triển đồng bộ, kết nối và khai thác hiệu quả các khu du lịch về nguồn như Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời, địa đạo An Thới, Căn cứ động Kim Quang, Di tích chiến thắng Junction City, Tua Hai… Đầu tư phát triển và kết nối các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc gia, khu vực tại Khu du lịch Ma Thiên Lãnh, Khu du lịch Long Điền Sơn, Khu DL Bàu Cà Na, Khu du lịch sinh thái Đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, hồ Nước Trong, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, DL sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn…
Thực hiện chương trình hành động, tỉnh Tây Ninh kỳ vọng ngành DL sẽ giúp giải quyết việc làm cho khoảng 7.400 lao động và đến năm 2030 sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP đạt 7% (gấp gần 3 lần so với hiện tại) và trở thành đầu tàu để kéo các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

Tin cùng chuyên mục