Dữ liệu trong thành phố thông minh

Từ mô hình cảnh báo rủi ro, phát hiện đối tượng khả nghi thông qua phân tích cơ sở dữ liệu ở Mỹ, đến quản lý thông minh trong nội khu Công viên Phần mềm Quang Trung đều là những cách tận dụng hiệu quả nguồn thông tin tích luỹ ở hệ thống cơ sở dữ liệu.
 Đây những cách làm hữu hiệu trong xây dựng đô thị thông minh.  Cảnh báo rủi ro từ dữ liệu tích hợp  Theo ông Phạm Trần Anh, Giám đốc Quốc gia Khối khách hàng Doanh nghiệp và Đối tác chiến lược, Microsoft Việt Nam, TP thông minh là nơi dịch vụ hành chính công được tối ưu, tự động hóa. Ngoài ra, nhà cầm quyền không thể bỏ qua yếu tố an toàn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và nhiều dịch vụ phát triển bền vững khác (giao thông thông minh, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên, quản lý thông minh giữa các công trình, dự án hạ tầng...) khi kiến tạo đô thị thông minh. Đặc biệt, tất cả giải pháp xây dựng TP thông minh đều hướng đến mục đích lôi kéo, kết nối ba đối tượng: cơ quan chính quyền - đối tác, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ - người dân. 
Dữ liệu trong thành phố thông minh ảnh 1 Khung tiêu chuẩn quốc gia TCVN cho đô thị thông minh và phát triển bền vững do Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng thuộc Bộ Khoa học
và Công nghệ thiết lập
Dẫn chứng giải pháp trong lĩnh vực an ninh, ông Phạm Trần Anh cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp mọi thông tin (nhân thân, việc làm, tài chính... của mọi công dân) sẽ là cánh tay đắc lực giúp cơ quan công quyền thu thập đầu mối, bằng chứng. Đơn cử, trong hiện trường một vụ việc, cảnh sát có thể trích xuất dữ liệu sẵn có, phân tích đám đông; từ đó tìm ra khuôn mặt, đặc điểm đối tượng khả nghi. Sau đó truyền dữ liệu cho lực lượng ngoài hiện trường, kịp thời cảnh báo rủi ro hay những tình huống kế tiếp có thể diễn ra. 
Cảnh sát New York (Mỹ) đã cùng đối tác thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu tương tự như trên. Trung tâm điều hành của họ tổng hợp toàn bộ thông tin, đưa ra kịch bản rủi ro dựa trên dữ liệu từ nhiều nguồn (3.000 hệ thống camera, nhận dạng biển số xe...). Hệ thống công nghệ giúp thu thập, cung cấp dữ liệu mọi lúc mọi nơi nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Cảnh sát có thể tiếp cận thông tin qua mọi thiết bị. “Đây là sản phẩm được xây dựng bởi chính những người điều hành công vụ, cho chính họ sử dụng, dưới sự hỗ trợ của đối tác cung cấp công nghệ”, ông Phạm Trần Anh nhận xét.  Không dừng ở bài toán an ninh, an toàn cho công dân, cơ sở dữ liệu trên có thể mở rộng ra giám sát thủy triều, kẹt xe... theo đặc trưng của từng TP. Quản lý thông minh Nói về bài học thực tiễn trong quá trình xây dựng mô hình quản lý thông minh tại Công viên Phần mềm (CVPM) Quang Trung (TPHCM), ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng Giám đốc CVPM Quang Trung, cho biết trong quá trình phát triển, CVPM Quang Trung gặp không ít khó khăn trong hoạt động quản trị, điều hành của một “software city” (TP công nghệ), như: đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng hoạt động; quản lý trật tự, kiểm soát an ninh; nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp... Trong bối cảnh đó, CVPM Quang Trung tìm tòi giải pháp quản lý nội khu nhằm giải quyết thách thức trước mắt, đồng thời theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đầu năm 2016, CVPM Quang Trung chủ động ứng dụng công nghệ trong quản trị nội khu, theo định hướng ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành hình mẫu đô thị thông minh đầu tiên trong cả nước. Mọi kế hoạch triển khai dựa trên 3 mục tiêu chính: nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu CVPM. Từ đó, tất cả công việc tiến hành theo 3 bước, gồm: xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin các hoạt động quản lý nội khu, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng trên nền tảng số hóa; kết nối các ứng dụng công nghệ, dữ liệu trên cùng một nền tảng chung (platform); chia sẻ, phân tích, khai thác dữ liệu và dự báo các diễn biến trong tương lai để hoạch định các chính sách phát triển. Các nội dung trên diễn ra đồng thời, liên tục cải tiến nhằm phát huy ngay lập tức các kết quả trong quá trình triển khai. Hiện tại, CVPM Quang Trung đưa vào ứng dụng SMS giảm thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ 2 ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn 2 phút, giảm chi phí chuyển thông tin cho mỗi khách hàng từ 15.000 đồng còn 3.000 đồng. CVPM cũng số hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật nội khu; quản lý 11 thông số nước thải đầu ra theo thời gian thực, cảnh báo tức thời khi có thông số vượt ngưỡng quy định. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu nội khu đã phát hiện biển số xe của 4 trường hợp phá rối, gây mất an ninh nội khu và chuyển giao cho công an phường xử lý. Từ những kết quả đạt được ban đầu, CVPM Quang Trung tiếp tục tối ưu hóa, mở rộng thêm ứng dụng công nghệ. Trên cơ sở đó, nhà quản lý có thể mở hệ thống dữ liệu để cung cấp cho bên thứ ba khai thác.
Chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo TP thông minh, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho hay hiện Hà Nội đã có dữ liệu của 10 triệu dân cư do TP này quản lý. Hiện thủ đô Hà Nội xây dựng đô thị thông minh theo hướng tập trung phát triển giáo dục, y tế và giao thông thông minh; xây dựng trung tâm điều hành tập trung. Hà Nội đã và đang triển khai khoảng 10.000 dịch vụ công trực tuyến, giải quyết bài toán làm thủ tục cho người dân. Quan điểm của lãnh đạo TP xuyên suốt quá trình xây dựng đô thị thông minh là xây dựng từ vi mô đến vĩ mô; tuyệt đối tránh trường hợp “lạc” trong các vấn đề vĩ mô mà “bỏ rơi” nhu cầu thực tế của người dân. Trở ngại lớn nhất trong quá trình kiến thiết đô thị thông minh ở Hà Nội là nguồn nhân lực.

                         Từ cải cách “Thái Lan 4.0”

Chính sách “Thái Lan 4.0” là các kế hoạch, hoạt động thúc đẩy nền kinh tế số; cụ thể là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo lập hệ thống quản lý mới để phát triển TP thông minh. Chính phủ Thái Lan tập trung vào yếu tố đổi mới, cách tân trong lĩnh vực công nghiệp, tạo ra bước phát triển nhanh hơn cho nền kinh tế. Công cuộc cải cách đầu tiên của Thái Lan 4.0 là cải cách về kỹ thuật số (digital). Dựa trên những nền tảng công nghệ sẵn có, Chính phủ Thái Lan áp dụng thêm kỹ thuật số lĩnh vực công - nông nghiệp, du lịch, linh kiện ô tô…
Ngoài ra, chính phủ thí điểm phát triển một số TP thông minh (Smart city). Năm 2015, Phuket là TP đầu tiên ở Thái Lan thực hiện thí điểm mô hình trên. Trước tiên, TP Phuket ưu tiên phát triển du lịch thông minh. Chính quyền TP tiến hành lắp đặt 1.000 trạm phát sóng wifi miễn phí cho khách du lịch và người dân sử dụng. Nhờ vậy, du khách di chuyển, ăn nghỉ và tham gia các hoạt động giải trí thuận tiện hơn.
Về mục tiêu an toàn thông minh, TP Phuket triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, như: hệ thống camera CCTV trên đường phố hay trên biển. Kế đến là môi trường thông minh, TP Phuket lắp đặt hệ thống cảm biến để đo sự thay đổi về môi trường biển nhằm có những phải pháp phòng, chống và ứng phó kịp thời. Đồng thời, người làm kinh tế chuyển đổi doanh nghiệp vừa và nhỏ thành ngành công nghiệp sáng tạo và cách tân phù hợp với chính sách Thái Lan 4.0. Chính quyền TP tập trung đầu tư nhân lực phát triển công nghệ, giúp Thái Lan không chỉ mua công nghệ mà còn sáng tạo cũng như nghiên cứu phát triển công nghệ.
Hiện TP thông minh Phuket nỗ lực thực hiện chăm sóc sức khỏe thông minh, giáo dục thông minh và quản trị thông minh. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, người dân, TP Phuket còn nhận sự hỗ trợ đắc lực trong cả nước. Cụ thể, Trung tâm Khoa học và công nghệ Quốc gia, tập đoàn viễn thông CAT, các trường đại học, đơn vị tư nhân hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn trong việc xây dựng TP thông minh. TP Phuket xem đây là hệ sinh thái tác động lẫn nhau để tạo ra một đô thị thông minh như hiện nay. Ngoài ra, Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan còn thành lập Cục Quảng bá công nghiệp phần mềm (SiPA) phụ trách tất cả vấn đề liên quan đến TP thông minh. Văn phòng SiPA tại TP Phuket đóng vai trò điều phối giữa bộ, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương. 

Tin cùng chuyên mục