Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sớm: Thêm cơ hội sống cho con

HIV/AIDS được xác định lây truyền qua 3 đường chính: đường máu, quan hệ tình dục và truyền từ mẹ sang con. Tại TPHCM, những năm gần đây, nhờ sự phủ rộng chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nên con đường lây thứ 3 đã giảm rõ rệt.
Bác sĩ đang tư vấn cho thai phụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Bác sĩ đang tư vấn cho thai phụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Dự phòng mẹ, con thoát “án tử”

Hơn 1 năm trước, khi đi khám thai tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương, chị L.M.N. (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) phát hiện mình nhiễm HIV sau khi thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Trong cơn lo lắng, hoảng loạn, chị được các bác sĩ ở Phòng Tham vấn của BV Hùng Vương trấn an, tư vấn cách điều trị dự phòng để không lây truyền bệnh cho con. Từ đó, chị về địa phương tuân thủ điều trị đều đặn như hướng dẫn. Tháng 12-2018, chị N. hạ sinh một bé gái xinh xắn, may mắn hơn, kết quả xét nghiệm máu gót chân của em bé xác định bé không bị lây truyền HIV từ mẹ. “Khi nghe kết quả xét nghiệm từ bác sĩ, tôi mừng rơi nước mắt”, chị N. chia sẻ.

Chị N. là một trong nhiều trường hợp mẹ nhiễm HIV sinh con tại BV Hùng Vương không bị lây truyền từ mẹ sang con trong năm qua. Bác sĩ Đặng Ngọc Yến Dung, Trưởng khoa Phụ nội - Nội tiết kiêm phụ trách Chương trình tham vấn phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con của BV Hùng Vương, cho biết trước đây, con đường lây truyền HIV từ mẹ sang con khá phổ biến bởi khả năng lây truyền có thể lên đến 40%. Trung bình cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 - 40 trẻ sinh ra nhiễm HIV, nhưng nếu được điều trị dự phòng thì chỉ có khoảng 5 trẻ sinh ra bị nhiễm căn bệnh này từ mẹ. 

Nhờ sự đẩy mạnh tuyên truyền cũng như độ phủ rộng khắp của mạng lưới các phòng khám ngoại trú, những năm gần đây, ý thức của thai phụ nhiễm HIV đã được nâng lên và họ đã tham gia dự phòng lây truyền từ mẹ sang con khá đầy đủ. Tỷ lệ lây truyền qua con đường này vì thế cũng giảm đáng kể. Thống kê của BV Hùng Vương, trong năm 2017, BV tiếp nhận 280 sản phụ nhiễm HIV và có 5  trẻ sinh ra nhiễm HIV. Năm 2018 vừa qua, trong 300 trường hợp sản phụ nhiễm HIV sinh con tại đây, có 3 trẻ dương tính với virus này.

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM (một trong 2 nơi tiếp nhận điều trị trẻ nhiễm HIV của khu vực phía Nam) cho thấy, số lượng trẻ nhiễm HIV cũng bắt đầu có xu hướng giảm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết trước đây số lượng trẻ nhiễm HIV đến điều trị tại BV Nhi đồng 1 khá nhiều, có những thời điểm lên đến gần 1.000 trẻ. Đáng mừng là những năm gần đây số trẻ nhiễm giảm dần, trung bình chỉ còn 450 - 500 trẻ.  

Thai phụ cần nâng cao kiến thức

Thực tế có nhiều thai phụ nhiễm HIV rất lo lắng về khả năng lây nhiễm của con mình, hoặc tác dụng phụ của thuốc ARV (thuốc điều trị HIV/AIDS) có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ Kim Chi Na, Trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng (Trung tâm Y tế quận 11), khẳng định thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV liên tục. Đồng thời, thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng virus trong máu để biết tải lượng virus có tăng cao không, hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không. “Bệnh nhân mang thai cần giữ ở mức tải lượng virus dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu mới đảm bảo thấp nhất khả năng lây truyền qua con”, bác sĩ Kim Chi Na khuyến cáo. Bác sĩ Đặng Ngọc Yến Dung, BV Hùng Vương, cũng cho biết các bằng chứng khoa học cho thấy thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi, do đó các thai phụ nhiễm HIV cần uống thuốc dự phòng lây truyền càng sớm càng tốt. 

Để nâng cao hiệu quả phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, kéo giảm số lượng trẻ nhiễm HIV trên địa bàn, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cho biết ngoài việc vận động các phòng khám tư nhân tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cũng thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, băng rôn kêu gọi tất cả phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm HIV khi mang thai, nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020”. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao, về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị, không phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV...

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có gần 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai chiếm 0,19% (tương đương với hơn 3.800 trường hợp) và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1.140 - 1.520 trẻ (chiếm 30% - 40%).

Tin cùng chuyên mục