Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Khó giải quyết bất cập trong đầu tư công

Hôm nay, 28-5 dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến. Mặc dù mới triển khai thực hiện được 3 năm, song qua quá trình cân nhắc, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi khá nhiều nội dung về khái niệm, giải thích từ ngữ; sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành với số lượng các điều phải sửa đổi, bổ sung, loại bỏ chiếm tỷ lệ khá lớn.

Đại biểu Quốc hội TPHCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này. 

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Khó giải quyết bất cập trong đầu tư công ảnh 1 PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, như cơ quan thẩm tra cho biết, bên cạnh những ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công, cũng có ý kiến cho rằng những vướng mắc hiện nay dẫn đến việc hiệu quả đầu tư công còn thấp cơ bản không phải là do luật, mà do quá trình triển khai thực hiện. Do đó, ở thời điểm này chưa thực sự cần thiết phải sửa đổi luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Như chúng ta đều thấy là hiệu quả đầu tư công thời gian qua chưa đạt được kỳ vọng. Thực tiễn cho thấy, Luật Đầu tư công đã có nhiều điểm bất hợp lý. Ở thời điểm ban hành luật (năm 2014), hoạt động đầu tư công trở thành một bức xúc xã hội: đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát lớn.

Đây cũng là giai đoạn có nhiều vụ án kinh tế mà bây giờ chúng ta đang phải xử lý hậu quả. Trong bối cảnh đó, có lẽ sự chuẩn bị gấp gáp để sớm ban hành luật là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số tồn tại, không đồng bộ, mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp quy hiện hành; tạo ra những “điểm nghẽn” trong Luật Đầu tư công. 

Nhưng tôi cho rằng thực tiễn triển khai đầu tư công hiện nay vướng mắc không chỉ ở Luật Đầu tư công. Ở đây có cả sự mâu thuẫn giữa văn bản pháp quy ban hành trước với văn bản ban hành sau, tức là có sự “gấp khúc”, như với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư.

Ví dụ như dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tại TPHCM. Đến nay sau 3 năm chuẩn bị, bây giờ lại phải làm lại dự án. Theo quy định của Luật Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải không phải là đơn vị trình đề án, mà đề án này phải do Sở Kế hoạch và Đầu tư của TPHCM tham mưu cho UBND TP để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi bộ này lại trình lên Chính phủ, rất phức tạp. 

- Nhìn cụ thể vào các nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư công được trình ra Quốc hội lần này, ông có nhận xét gì? 

- Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này tập trung vào một số điều khoản mang tính thủ tục. Ví dụ như tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C; từ đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền quyết định đầu tư dự án.

Tôi thì lại cho rằng vấn đề cốt lõi không nằm ở bao nhiêu tiền, mà là nguồn gốc vốn và địa bàn thực hiện dự án. Nếu nói trượt giá nên phải tăng quy mô vốn, tới đây thời giá thay đổi thì chẳng lẽ lại tiếp tục sửa luật? Nguồn vốn dù ít hay nhiều, nhưng về cơ bản, nếu là vốn trung ương thì Quốc hội quyết, vốn địa phương thì HĐND địa phương quyết.

Cần phân cấp mạnh hơn và tạo tính chủ động cho các cấp quản lý ngân sách ở địa phương. Dự án hỗn hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương và nguồn “Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương” nên để HĐND cấp tỉnh quyết định.

Về địa bàn, nếu dự án gói gọn trong địa phương nào thì địa phương đó quyết, còn liên tỉnh, liên vùng thì Trung ương quyết. Thủ tục quá cứng thì thành ra “trói chân trói tay” địa phương, khi vốn vượt khỏi hạn mức một chút lại phải làm hàng loạt thủ tục để “xin”, kể cả khi ngân sách địa phương có thể cân đối.

Chẳng hạn các dự án giao thông đô thị trong TPHCM thì nên phân cấp cho HĐND TP quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm, còn dự án đường liên tỉnh, thì các bộ có chức năng quyết định. Tức là mạnh dạn phân cấp hơn nữa, đi kèm là cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu rõ ràng hơn nữa.

Hiện các dự án kéo dài “lê thê” nhất là do phải đi xin ý kiến các cơ quan. Phải làm rõ một việc giao cho một người chịu trách nhiệm chính, lấy ý kiến là để tham khảo. Sau một thời gian nhất định bên được xin ý kiến không trả lời thì cho tự quyết, tự chịu trách nhiệm. 

- Có ý kiến cho rằng những bức xúc hiện nay trong đầu tư công (như giải ngân chậm, hiệu quả thấp) là do không chọn được dự án tốt. Nói cách khác, luật đang đưa ra một quy trình ngược: chia vốn trước, chọn dự án sau. Trong khi lẽ ra nên làm ngược lại? Ông nghĩ sao về điều này?

- Đây là ý kiến có cơ sở. Thế nên chúng ta cần tích cực tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Bản thân Quốc hội là cơ quan lập pháp, phải làm việc tích cực hơn nữa, nhiều trường hợp không thể chờ đến 2 kỳ họp để sửa một vài nội dung nho nhỏ.

Tôi cho rằng các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách cần làm việc tích cực hơn nữa, rà soát, tiếp thu các ý kiến phản ánh để nhận diện những vướng mắc, bất cập, đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng những hình thức họp trực tuyến để xin ý kiến Quốc hội, thậm chí biểu quyết điện tử, để công tác xây dựng pháp luật kịp thời hơn, không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp, triệu tập tất cả các đại biểu. Cứ chờ thế này thì “tội nghiệp” cho nền kinh tế, cho người dân quá.

- Nhưng làm luật gấp rút quá - như chính ông vừa nói - cũng có thể lại dẫn đến nhiều quy định chưa chín?

- Tôi đang đề cập đến trường hợp các sửa đổi nhỏ. Quy trình sửa đổi luật, đôi khi chỉ là tình tiết nhỏ, hiện vẫn quá cồng kềnh, chậm chạp. Và tôi cho rằng trong trường hợp cụ thể của Luật Đầu tư công thì sửa đổi như dự thảo vẫn không đủ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn. 

- Quay trở lại với chuyện “quy trình ngược”. Ông có nghĩ là nên đảo lại: chọn dự án tốt trước, phân bổ vốn sau?

- Cũng là một suy nghĩ đáng cân nhắc và thực sự tôi nghĩ như thế thì hợp lý hơn. Nhưng chi phí để chuẩn bị dự án ở đâu? Hiện nay phải ghi vốn mới có tiền chuẩn bị dự án, rồi mới thẩm định, phê duyệt và thực hiện. Chính vì thế tôi mới nói là phải sửa đồng bộ hệ thống pháp luật, chứ riêng Luật Đầu tư công thôi thì chưa đủ. Quốc hội còn quá nhiều việc phải làm. 

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục