Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mới đã tăng 27 điều, sửa đổi 63 điều so với các bản trước

Sáng 21-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (UBVHTTNNĐ) đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Đại diện Quỹ UNICEF tham gia ý kiến về phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực và xâm hại.
Đại diện Quỹ UNICEF tham gia ý kiến về phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực và xâm hại.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBVHTTNNĐ cho biết, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong liên tiếp 3 kỳ họp nhằm tiếp tục hoàn thiện và đạt sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tuy nhiên, đại diện UBVHTTNNĐ cho biết, vấn đề hiện tại không phải là việc loay hoay chỉnh sửa từng câu chữ mà cần xác định giáo dục của chúng ta đang cần gì, hướng đến những mục tiêu gì, đặt trong mối liên hệ với bối cảnh đất nước và thế giới.
Trong đó, vị này đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hai khái niệm phổ cập (không bắt buộc) và phổ cập mang tính bắt buộc. "Nếu là phổ cập bắt buộc cần gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ trường học. Khi đó, vấn đề phổ cập là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc đưa con em đến trường. Nhiều năm qua chúng ta đã hướng đến phổ cập bậc THCS nhưng chưa bắt buộc". 
Ở góc độ khác, bà Lê Thị Minh Châu, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) góp ý, Luật Giáo dục sửa đổi cần quan tâm nhiều hơn và định nghĩa lại khái niệm "Giáo dục hòa nhập". Bởi hiện nay, khái niệm này chỉ bó hẹp ở hai đối tượng là trường dành cho học sinh khuyết tật và trường giáo dưỡng. Trong khi đó, nhiều đối tượng khác như trẻ có khó khăn về ngôn ngữ, trẻ nhập cư, nhiễm HIV, trẻ chịu hậu quả thiên tai... chưa được quy định rõ ràng trong luật.
Thêm vào đó, với riêng bậc mầm non, Luật sửa đổi vẫn giữ nguyên ba nhiệm vụ cơ bản của bậc học này là "nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục". Tuy nhiên, theo tình hình thực tế mới, vị này kiến nghị cần bổ sung thêm cụm từ "bảo vệ" để những người làm công tác giáo dục ở bậc học này ý thức đầy đủ hơn về việc nhiệm vụ bảo vệ các em trước những nguy cơ bạo lực và xâm hại, vốn là hai vấn đề mang tính cấp thiết thời gian qua. "Việc sửa đổi nhằm tăng tính đương đại của Luật trong xu hướng phát triển chung của thế giới", chuyên gia Lê Thị Minh Châu nhấn mạnh.
PGS.TS Lê Quang Minh, Nguyên phó giám đốc ĐHQG TPHCM nêu ý kiến, Luật Giáo dục sửa đổi cần xác định lại trọng tâm ở từng cấp học. Đơn cử như tiểu học chú trọng dạy đạo đức, đến THCS ưu tiên truyền thụ kiến thức, lên THPT cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng. Riêng việc phân luồng cần quy định rõ trong Luật, nghiên cứu phát triển lại hệ thống trường trung học nghề nghiệp để tăng hiệu quả thu hút người học, bảo đảm nguồn ra cho các em.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mới đã tăng 27 điều, sửa đổi 63 điều so với các bản trước ảnh 1 PGS.TS Lê Quang Minh quan tâm vấn đề phân luồng và đào tạo nghề cho học sinh phổ thông.
Về quan tâm của dư luận quanh "một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (Bộ GD-ĐT) cho biết định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ theo hướng mở để phát huy sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. 
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mới đã tăng 27 điều, sửa đổi 63 điều so với các bản trước ảnh 2 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ GD-ĐT, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (bản mới nhất vào ngày 10-8-2018) đã tăng 27 điều, sửa đổi 63 điều so với các bản dự thảo trước đây. Đến nay, dự thảo Luật gồm 10 chương, 119 điều, trong đó vừa bổ sung một số quy định, chính sách mới (như không thu học phí trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh bậc THCS và hỗ trợ học phí ở các cơ sở ngoài công lập...) vừa sửa đổi một số điều như nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng, quy định về cấp chứng chỉ, liên thông bằng cấp...

Tin cùng chuyên mục