Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV: Nên quy định luật khung hay chi tiết?

Xung quanh dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang có những ý kiến trái chiều về cách thức thiết kế luật. 
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều điểm mới để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: THÀNH TRÍ
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều điểm mới để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: THÀNH TRÍ

Trong khi các nhà làm luật ủng hộ nên quy định luật khung để tránh xung đột với các luật khác, cũng có nhiều ý kiến đề nghị luật nên quy định chi tiết để doanh nghiệp dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. 

TS-LS Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:

Tránh xung đột giữa các quy định

Cùng với các tổ chức kinh tế lớn, thực tế đã chứng minh, nhiều DNNVV đã thúc đẩy động lực tăng trưởng của nền kinh tế và trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, việc tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các DNNVV là vô cùng cần thiết. Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ hệ thống các nhóm DNNVV trong từng lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp này hoạt động.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV lần này có sự tiến bộ rất đáng hoan nghênh khi xây dựng các quy định điều chỉnh về DNNVV có sự so sánh và thống nhất với các luật chuyên ngành khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các luật về khoa học công nghệ, luật về các tổ chức tín dụng... Điều này không chỉ tránh được những khó khăn gặp phải trong quá tình áp dụng do xung đột các quy định cùng điều chỉnh về một vấn đề, mà còn thể hiện một trình độ lập pháp cao hơn của các nhà làm luật Việt Nam. Luật này được xây đựng để hỗ trợ DNNVV theo hướng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định thì luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, như quy định về hỗ trợ thuế cho DNNVV tại Điều 9 của dự thảo: “DNNVV theo quy định của luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”. Tôi đồng ý với phương thức quy định này vì phù hợp với xu hướng của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, vì nội dung của luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị có liên quan để nhanh chóng hướng dẫn thi hành các quy định trong trường hợp cần thiết, tránh gây tác động xấu đến các DNNVV vì khó khăn nên mới cần sự hỗ trợ. Dự thảo cũng đề nghị không thực hiện hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu - cụm công nghiệp để tránh hỗ trợ 2 lần vì việc này không bảo đảm việc DNNVV được giảm chi phí thuê mặt bằng trong khu - cụm công nghiệp do mục tiêu không hỗ trợ đại trà mà được chọn lọc, chỉ hỗ trợ có giới hạn trong điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp đó, phù hợp với nguyên tắc tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Khoa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM:

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV nên đổi tên thành “Luật Bảo vệ và phát triển DNNVV” và nên xem đây là luật khung, do đó việc ban hành không nhất thiết phải quy định quá cụ thể. Vì nếu cụ thể mà luật này trái với các luật chuyên ngành như Luật Đất đai hay Luật Tổ chức tín dụng thì cũng không thể áp dụng. Vì vậy, cần thay đổi cách thức làm luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế và có thể dễ dàng để cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp thực hiện.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ cần quy định 5 điều khoản cơ bản như sau:

Điều 1: Nhà nước cần có chính sách thông thoáng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo mọi điều kiện và cam kết bảo vệ các DNNVV trong quá trình thành lập, hoạt động, và phát triển. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, gây khó khăn DNNVV.

 Điều 2: Khi xây dựng các chính sách và ban hành các quy định của pháp luật liên quan đến các DNNVV, cần phải có sự tham gia của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DNNVV.

 Điều 3: Trong từng giai đoạn khác nhau, Chính phủ ban hành danh mục những lĩnh vực, ngành nghề dành ưu đãi và chỉ giao cho DNNVV thực hiện.

 Điều 4: Chính phủ có nhiệm vụ triển khai và kiểm tra thực thi các quy định của luật này và bãi bỏ hoặc đề nghị Quốc hội bãi bỏ những quy định gây bất bình đẳng cho DNNVV.

 Điều 5: Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Th.S Lê Hùng Điệp, Trường Đại học Sài Gòn:

Thiếu chính sách cụ thể

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV lần này có 4 chương với 38 điều, so với dự thảo trước đây có 7 chương và 48 điều. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách hỗ trợ DNNVV hiện nay đã được ban hành ở nhiều luật và nghị định nên trong dự thảo luật trình Quốc hội trong kỳ họp thứ III được thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định thì luật này chỉ quy định nguyên tắc chung để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trên thực tế, Việt Nam hiện nay có khoảng 600.000 doanh nghiệp; trong đó, trên 95% là DNNVV, thời gian qua đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đại đa số DNNVV hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, thiếu mặt bằng sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp yếu, chưa đầu tư mạnh về công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành khá nhiều chính sách cho đối tượng DNNVV; tuy nhiên, để tiếp cận các chính sách này không dễ vì các chính sách phân tán ở nhiều bộ ngành khác nhau, thủ tục hành chính để tiếp cận còn khó khăn, nhận thức của một số cán bộ thực hiện cơ chế hỗ trợ chưa cao. Ngoài ra, do đặc thù các DNNVV không có bộ máy quản trị hoàn chỉnh, thiếu nguồn nhân lực nên không có thời gian nghiên cứu đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính, về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, với dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV chưa thỏa mãn mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo luật chỉ đưa ra những nguyên tắc chung về chính sách hỗ trợ, còn chính sách cụ thể thì vẫn áp dụng theo các chính sách đã ban hành, nhưng hiện nay chưa có tổng kết đánh giá các chính sách đã ban hành trong thời gian qua, DNNVV chính thức được hỗ trợ như thế nào, những khó khăn nào mà DNNVV chưa thể tiếp cận được chính sách đã ban hành. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời với mục tiêu sẽ giải quyết các tồn đọng mà DNNVV đang cần trợ giúp chủ yếu từ phía cơ quan Nhà nước.

Về một số nội dung trong dự thảo, mục “Hỗ trợ chung” có 7 điều (từ Điều 8 đến Điều 14); trong đó, tại Điều 8 quy định: “Khuyến khích các tổ chức tín dụng cho DNNVV vay vốn dựa trên bảng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác”. Quy định này khả năng thực hiện chưa cao, do việc đánh giá tín nhiệm là phạm trù mang tính định tính nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận; trong khi đó, đa phần DNNVV hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng rất khó khăn. Về quy định Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, đề nghị xem xét đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ này. Vì thực tế hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả, doanh nghiệp cần vay tín dụng thông qua bảo lãnh của quỹ vẫn thực hiện đầy đủ tài sản thế chấp theo quy định về vay tín dụng. Tại Điều 12, đề nghị cần có quy định cụ thể vì tại mục b, Điều 12: “Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp” quy định này chưa rõ, vì quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có rất nhiều quy định cho các đối tượng khác nhau.

Th.S Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế - Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:

Bỏ các tiêu chí không cần thiết

Tại Điều 4.1 của dự thảo về tiêu chí xác định DNNVV, đề nghị định nghĩa ngắn gọn: “DNNVV là doanh nghiệp có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng một trong 2 tiêu chỉ sau đây: Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng”. Cụm từ “bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa” là không cần thiết vì bản thân các doanh nghiệp này đã đáp ứng các tiêu chí trên. Nếu thêm vào sẽ làm điều luật trở nên phức tạp và khó hiểu hơn, lại trùng lắp về nội dung.

Tương tự, tại Điều 9 về “Hỗ trợ thuế”, đề nghị ghi cụ thể mức thuế suất thấp hơn là bao nhiêu? Hoặc là bao nhiêu phần trăm thuế suất phổ thông? Hoặc ghi: “Hàng năm, Chính phủ sẽ thông báo mức thuế hỗ trợ tùy theo tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ”. Tại Điều 22 về trách nhiệm của Bộ Tài chính, dự thảo quy định phạm vi hỗ trợ chưa đầy đủ. Bởi ngoài doanh nghiệp chuyển đổi, còn có nhiều doanh nghiệp khác cần tư vấn, kể cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hơn nữa, việc tư vấn thuế, kế toán có thể không thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính theo Nghị định số 215/2013/NĐ-CP, ngày 23-12-2013 của Chính phủ. Do vậy, nên chăng quy định: “Bộ Tài chính có trách nhiệm vận động, khuyến khích, tạo cơ chế cho các đại lý thuế, công ty kế toán tham gia hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương chung của Chính phủ”. Trên thực tế, hoạt động này đang được thực hiện tại Cục Thuế TPHCM trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của CLB Đại lý thuế và sự hưởng ứng, tuyên truyền, chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.

Tin cùng chuyên mục