Dự trữ nước thô: Bài học từ các nước tiên tiến

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước là những vấn đề mang tính toàn cầu. Hầu hết các nước phát triển đều xem trọng và triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải để ngăn ngừa ô nhiễm; đồng thời, đầu tư các công trình đảm bảo khả năng dự trữ nước thô cho cấp nước sinh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu. 

Trong đó, giải pháp phổ biến là xây dựng các hồ dự trữ nước thô quy mô lớn để đảm bảo cung cấp nước liên tục nhiều ngày, kể cả trong trường hợp xảy ra các sự cố đối với nguồn nước (ô nhiễm, xâm nhập mặn…). Đây cũng là công trình tiền xử lý để giảm thiểu các chất ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước thô cấp cho các nhà máy nước. 

Tại Hà Lan, các hồ dự trữ nước thô được xây dựng với quy mô rất lớn để ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, ô nhiễm. Điển hình như hệ thống hồ Biesbosch cung cấp nước thô cho thành phố Rotterdam với khả năng dự trữ cung cấp nước trong khoảng 5 tháng. 

Ở Nhật Bản, hầu hết nguồn nước mặt đều có hệ thống hồ dự trữ quy mô lớn để đảm bảo khả năng cung cấp nước thô liên tục, như hồ Biwa ở thành phố Osaka, hồ Yamanaka ở Yokohama… 

Nhờ các công trình này, chất lượng nước thô luôn được duy trì rất tốt và ổn định, góp phần tăng chất lượng nước sạch và giảm rất nhiều chi phí xử lý nước. Đồng thời, với khả năng dự trữ nước trong thời gian dài, đây thực sự là giải pháp bền vững đảm bảo an toàn nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Để kiểm soát xâm nhập mặn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã triển khai rất hiệu quả các giải pháp ngăn mặn và giữ nước ngọt như ở Nhật Bản (Osaka), Singapore… 

Tại Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành công trình Đập ngăn mặn Thảo Long từ năm 2006 đến nay. Đập Thảo Long vừa thực hiện chức năng ngăn mặn để giữ ngọt cho hệ thống sông Hương, sông Bồ; đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và các nhu cầu khác; đồng thời ,vẫn đảm bảo giao thông thủy trên sông Hương. Đây là công trình được đánh giá cao về thiết kế và hiệu quả khi đưa vào vận hành khai thác.

Ứng phó với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, bên cạnh giải pháp quản lý bảo vệ thì giải pháp nâng cao năng lực công nghệ xử lý nguồn nước cũng được phát triển. Trong đó, các công nghệ mới có khả năng xử lý hiệu quả nguồn nước ô nhiễm và thân thiện hơn với môi trường (sử dụng vi sinh, giảm sử dụng hóa chất xử lý, hoặc sử dụng các hóa chất xử lý an toàn hơn) đã được nghiên cứu, ứng dụng phổ biến ở nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các công nghệ xử lý nước mặn, tái sử dụng nước thải phục vụ cho cấp nước sinh hoạt cũng được đầu tư trang bị. Tuy nhiên, chi phí đầu tư và vận hành còn cao.

Nhằm đảm bảo phân phối nước sạch hiệu quả, an toàn, các nước Thái Lan, Nhật Bản… cũng phát triển mạng lưới cấp nước hiện đại có năng lực dự trữ cao và có cấu trúc phù hợp; trong đó có các trạm bơm, bể chứa phân phối trên mạng lưới cấp nước. Nhờ đó, giúp cho hoạt động truyền tải nước được hiệu quả, cải thiện chất lượng nước và áp lực cấp nước cho khu vực phục vụ. Đồng thời, tăng cường được năng lực dự phòng, đảm bảo cấp nước trong các trường hợp xảy ra sự cố.

Qua kinh nghiệm của các đơn vị cấp nước bạn trong việc ứng phó với ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu thì đây là những giải pháp phù hợp, bền vững và cần xem xét triển khai thực hiện cho hệ thống cấp nước quy mô lớn như TPHCM.

Tin cùng chuyên mục