Du xuân Kỷ Hợi 2019: Đậm đà bản sắc dân tộc

Tết Kỷ Hợi 2019, giá trị truyền thống dân tộc lại được tái hiện qua những câu chuyện, những hoạt động văn hóa trải dài khắp mọi miền Tổ quốc. Từ những cuốn sách bày bán ở phiên chợ tết vùng cao, cho đến những tà áo dài trên phố, hội thi dựng cây nêu ở Hội An… đều nhắc nhở về ý nghĩa truyền thống của ngày tết.  
Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo người dân TPHCM và du khách tham quan. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo người dân TPHCM và du khách tham quan. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Không gian truyền thống đúng nghĩa

Sáng mùng 1 tết, tại homestay Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP Huế), gia đình anh Phillips (du khách người Anh) đã hưởng trọn một cái tết truyền thống của người Việt. Trên bàn ăn sáng, ngoài những món ăn hợp khẩu vị của người phương Tây, còn có nhiều món ăn gắn với ngày tết cổ truyền, đặc biệt là hai món bánh chưng và bánh tét cũng được những người tổ chức tour sửa soạn để đãi khách. Ngồi vào bàn ăn, những du khách nước ngoài ngạc nhiên khi gia chủ mở bánh tét và dùng sợi lạt cột bánh để cắt từng lát bánh mỏng mà vẫn tròn đều.

Gia chủ không quên giới thiệu cách chế biến hai loại bánh truyền thống luôn có trong ngày tết của người Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Ấn tượng với cách dùng lạt cắt bánh, những vị khách cũng cùng làm thử. Anh Phillips chia sẻ, trước đó, gia đình anh được chung vui không khí đón giao thừa với người dân và các con của anh rất thích thú.

“Thật may mắn khi đến Việt Nam đúng vào dịp tết. Việt Nam đón tết không náo nhiệt như nước Anh, nhưng ấm cúng, gia đình quây quần bên nhau thật hạnh phúc. Mùi hương trầm phảng phất vào thời khắc cúng giao thừa, tiễn năm cũ và chào đón năm mới khiến chúng tôi không muốn rời Huế”, anh Phillips chia sẻ.

Trong ngày đầu xuân mới, chị Phan Thanh Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) sau khi sắp mâm cơm cúng tổ tiên đã cùng gia đình đi cả 4 ngôi đền “Thăng Long tứ trấn”, dâng hương cầu một năm mới bình an. Du xuân, lễ chùa là phong tục đẹp song quan trọng hơn cả là mọi thành viên trong gia đình chị đều mong muốn cảm nhận thời khắc dịu dàng, trong trẻo, bình yên đến lạ của phố phường Hà Nội trong sáng đầu tiên của năm mới.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, lượng khách về đây đã đạt con số kỷ lục, ước đạt hơn 80.000 người. Không quản nắng nóng, nhiều bạn trẻ xếp hàng dài để đợi tới lượt xin chữ, cầu cho một năm học hành, lao động hanh thông. Trong khu vực sân chính khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tiếng hô vang, tiếng trống của cờ người hay giọng hát quan họ ngọt lịm lôi cuốn người nghe…

Dựng cây nêu ngày tết là tập tục truyền thống của người dân Việt Nam nói chung, cư dân Hội An nói riêng vào dịp Tết Nguyên đán. Bắt đầu từ Tết Nhâm Thìn 2012, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thi dựng cây nêu ngày tết.

Bà Trần Thị Hậu, sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hội An kể rằng, khi cây nêu dựng lên tại tư gia, nếu gia chủ còn nợ tiền của ai đó trong làng thì không được đến đòi. Chỉ khi nào cây nêu hạ xuống thì mới được tới nhà đòi nợ (tức là sau ngày mùng 7 tết). Ngày nay, để tạo cảnh quan xung quanh khu vực dựng nêu, người ta còn trang trí lồng đèn hoặc các mô hình về ngày tết như bánh chưng, bánh tét, con giáp của năm...

Trong những ngày tết này, chỉ cần xuống phố, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những chiếc áo dài thướt tha, rực rỡ. Từ những chiếc áo dài truyền thống cho tới áo dài cách tân với nhiều sự kết hợp mới mẻ, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, năng động mà vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc.

Trong buổi du xuân đầu năm Kỷ Hợi 2019 tại Đường hoa Nguyễn Huệ, Jessica (giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ, TPHCM) bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần đón tết truyền thống tại Việt Nam và tôi rất thích việc các bạn, cả phụ nữ lẫn đàn ông, thậm chí cả trẻ em mặc chung một loại trang phục truyền thống là áo dài. Áo dài rất đẹp, rất Việt Nam, không thể nhầm lẫn với quốc gia nào trên thế giới”.

Tết sách, tết chữ, tết khuyến học

Phiên chợ tết năm nay ở chợ Hòa Bình (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang) thật đặc biệt. Ngoài những món hàng quen thuộc như trầu cau, lá dong, bưởi, chuối… còn có thêm một quầy sách. Gọi là quầy nhưng thực chất chỉ là một tấm bạt khoảng chừng 2m2 được trải dưới đất, bên trên bày biện những cuốn sách.

Quầy sách trên là của nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương, từng có thời gian du học ở Nhật Bản, hiện tại anh đã quay trở về Việt Nam, làm tất cả những công việc liên quan đến sách như “bán sách rong”, dịch sách, viết sách, truyền cảm hứng đọc sách… chỉ với mục đích: thực hiện ước mơ thay đổi văn hóa đọc của người Việt. Anh Vương nhiều lần đi bộ hay đi xe buýt “bán sách rong”. Còn tết năm nay, anh quyết định mang sách về chợ quê, cũng là để thực hiện dự định có từ năm ngoái.

Trong ngày khai mạc Phố sách Xuân Kỷ Hợi, TS Nguyễn Mạnh Hùng (TGĐ Thái Hà Book), không giấu nổi vui mừng bởi phong trào lì xì sách, tặng sách đầu xuân do anh và các đồng nghiệp chung tay phát động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

TS Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Chính từ ngày có lễ hội Đường sách ở TPHCM và Phố sách Xuân ở Hà Nội, chúng tôi mới mạnh dạn và phát động sâu rộng phong trào tặng giỏ quà sách, lì xì sách, dùng tiền mừng tuổi mua sách và sẽ nói về tết sách, phố sách, đường sách tại hội nghị xuất bản toàn cầu diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 tới, tại Hội sách London vào tháng 3, Hội sách trẻ em Bologna tháng 4, Hội sách Mỹ tháng 6, Hội sách Frankfurt tháng 10 và nhiều hội sách quốc tế khác”.

Tin cùng chuyên mục