Đưa hàng Việt đến với 4 triệu người lao động tại các KCX-KCN

Với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo được doanh nghiệp (DN) và địa phương phối hợp tổ chức, hàng ngàn đợt bán hàng Việt chất lượng, giá tốt đã được đưa tới phục vụ hơn 4 triệu người lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) trên cả nước, góp phần thúc đẩy hàng Việt phát triển bền vững ngay tại thị trường nội địa. 
Nhiều công nhân, người lao động ưu tiên chọn và sử dụng hàng Việt tại hệ thống điểm bán hàng ở KCX-KCN
Nhiều công nhân, người lao động ưu tiên chọn và sử dụng hàng Việt tại hệ thống điểm bán hàng ở KCX-KCN

Ưu tiên chọn sử dụng hàng Việt  

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các  KCX-KCN. Tính đến nay, bộ đã xây dựng được 104 điểm bán hàng tại 58 địa phương trên cả nước. Trong đó, có nhiều điểm đặt gần các KCX-KCN với hàng chục ngàn công nhân. 

Về phía các địa phương, đã tổ chức hơn 3.000 đợt bán hàng về nông thôn, KCX-KCN với gần 60.000 lượt DN tham gia, thu hút hơn 4 triệu lượt người tới tham quan mua sắm, mang lại doanh thu hơn 50.000 tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi hơn 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, KCX-KCN với gần 60.000 lượt DN tham gia, thu hút hơn 3 triệu người, doanh thu mang lại hơn 30.000 tỷ đồng. 

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết trong thời gian qua, ngành thương mại đã đi đầu trong các hoạt động kết nối, xúc tiến để đưa hàng Việt có chất lượng, giá cả hợp lý, đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến cho người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết kể từ khi triển khai mô hình điểm bán hàng Việt tại KCX-KCN, được tiếp cận trực tiếp mặt hàng, sản phẩm Việt có chất lượng tốt, giá thành phải chăng, số lượng công nhân ưu tiên chọn sử dụng hàng Việt ngày càng tăng. Ước tính, tốc độ tăng trưởng doanh thu của siêu thị tại khu vực trên đạt 25%/năm.  

Thực tế cho thấy, người lao động luôn ưu tiên hàng Việt Nam khi mua sắm do giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, việc tổ chức các chuyến hàng Việt về KCX-KCN còn giúp DN nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người lao động, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp, thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của DN nước ngoài. 

Đa dạng mô hình cung ứng sản phẩm

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng 20 triệu công nhân lao động. Trong đó, 10,5 triệu người là công đoàn viên dưới sự quản lý của tổng liên đoàn. Đặc biệt, có hơn 4 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN ở trên 50 tỉnh, thành phố, sản xuất ra tới hơn 50% số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước mỗi năm.

Do vậy, đây được xem là thị phần tiêu thụ rất lớn của hàng Việt. Tuy nhiên, để có thể triển khai thành công việc đưa hàng Việt vào các KCX-KCN, nhiều ý kiến cho rằng, các DN cần biết được người lao động mong muốn điều gì, cần gì ở hàng hóa mà các nhà bán lẻ cung cấp. Ngược lại, công nhân tại các KCX-KCN cũng cần được thông tin rộng rãi về chương trình và về lợi ích mà họ có được từ chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt. Bởi lẽ, khi có sự gắn kết chặt chẽ, việc cung ứng hàng hóa sẽ hiệu quả hơn và DN không chỉ thu được lợi nhuận mà còn là cơ hội quảng bá, tạo dựng niềm tin với khách hàng tham quan, mua sắm. Riêng người lao động thì được tiếp cận sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá cả phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Về phía Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong thời gian tới vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Công thương triển khai đưa hàng Việt về KCX-KCN. Theo đó, trước tiên sẽ thực hiện khảo sát và tổ chức những điểm bán hàng cố định tại các KCX-KCN. Giải pháp này nhằm giúp người lao động tiếp cận với nguồn hàng hóa phong phú, chất lượng tốt có giá cả hợp lý. Kế đến, phối hợp với các hệ thống phân phối triển khai các đợt bán hàng giảm giá, phát voucher hoặc mua với mức ưu đãi cao cho công đoàn viên có thẻ khi đến mua hàng tại các điểm trên. Song song đó, sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ đưa hàng hóa trực tiếp theo đơn hàng của công đoàn tổ chức đứng ra để thu mua và phân phối.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá việc triển khai các phiên chợ hàng Việt, những chuyến hàng lưu động và điểm bán hàng Việt bền vững phục vụ người lao động làm việc tại KCX-KCN đạt hiệu quả cao, khi lực lượng công nhân đang lao động tại đây lên đến 4 triệu người trên tổng số 20 triệu công nhân lao động của toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục