Đưa kịch đến gần công chúng

Sau nhiều năm hoạt động theo kiểu bao cấp, sống lay lắt với những vở dựng được cấp kinh phí hàng năm, ngày 30-3, tại Hà Nội, lần đầu tiên lãnh đạo của Nhà hát kịch Việt Nam - “anh cả đỏ” của ngành sân khấu đã có buổi tọa đàm cùng những nhà báo theo dõi văn hóa nghệ thuật để cùng nhau tìm cách đưa kịch xích gần lại hơn với công chúng.

(SGGP).- Sau nhiều năm hoạt động theo kiểu bao cấp, sống lay lắt với những vở dựng được cấp kinh phí hàng năm, ngày 30-3, tại Hà Nội, lần đầu tiên lãnh đạo của Nhà hát kịch Việt Nam - “anh cả đỏ” của ngành sân khấu đã có buổi tọa đàm cùng những nhà báo theo dõi văn hóa nghệ thuật để cùng nhau tìm cách đưa kịch xích gần lại hơn với công chúng.

Chia sẻ cùng những tồn tại nhà hát đang phải đối mặt, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng để sân khấu đến được với khán giả, bản thân lãnh đạo nhà hát phải vượt qua được tâm lý dựng vở “an lành” theo đúng chỉ tiêu, lối mòn suy nghĩ mà nhiều nhà hát công lập trước đây đã từng áp dụng. Các nghệ sĩ cũng như người quản lý cũng không nên né tránh dư luận khen - chê bởi thực tế nhiều vở diễn dậy sóng dư luận lại được công chúng háo hức đón xem.

Tham dự buổi tọa đàm, các nhà báo, những người đã có nhiều năm gắn bó với sân khấu kịch cho rằng các nghệ sĩ cần phải có cách điều chỉnh mối quan hệ với báo chí. Phải coi báo chí, truyền thông là một bộ phận không phải tách rời trong suốt quá trình hoạt động của nhà hát chứ không đơn thuần là mối giao tiếp qua các buổi họp báo ra mắt, công diễn vở mới. Cách làm truyền thông của sân khấu cũng cần hiện đại hơn, hòa nhập với nhu cầu tiếp cận của công chúng hơn bằng cách đầu tư xây dựng những hình ảnh đẹp, những clip quảng bá sinh động thay vì tâm lý chụp ảnh, làm tờ rơi một cách sơ sài, cứng nhắc vẫn tồn tại từ nhiều năm trước…

Tiếp nhận ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ và báo chí nhằm đưa khán giả đến với sân khấu, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh khẳng định, cùng với sự đồng hành của báo chí, của các nghệ sĩ, nhà hát sẽ từng bước nỗ lực vượt khó. Trước mắt sẽ khắc phục khiếm khuyết của một nhà hát chưa có nhà để hát bằng cách xây dựng sân khấu nhỏ với khoảng 200 chỗ ngồi để nghệ sĩ có được những buổi diễn thường xuyên. Cùng với việc nâng cao chất lượng của các vở diễn, công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh để những hoạt động của nhà hát được thông tin đến với đông đảo công chúng.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục