Đưa kỹ năng sống vào trường tiểu học: Những nỗ lực ban đầu

Được xem là một trong những tiêu chí đánh giá phong trào thi đua “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, nhưng nhiều năm qua, hoạt động dạy và học kỹ năng sống trong các trường tiểu học vẫn gặp nhiều khó khăn: Giáo trình không có, đội ngũ thực hiện “non” kinh nghiệm, giảng dạy chủ yếu lý thuyết nhiều hơn thực hành… Dầu vậy, nhiều đơn vị vẫn nỗ lực vượt khó, bước đầu gặt hái thành công.
Đưa kỹ năng sống vào trường tiểu học: Những nỗ lực ban đầu

Được xem là một trong những tiêu chí đánh giá phong trào thi đua “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, nhưng nhiều năm qua, hoạt động dạy và học kỹ năng sống trong các trường tiểu học vẫn gặp nhiều khó khăn: Giáo trình không có, đội ngũ thực hiện “non” kinh nghiệm, giảng dạy chủ yếu lý thuyết nhiều hơn thực hành… Dầu vậy, nhiều đơn vị vẫn nỗ lực vượt khó, bước đầu gặt hái thành công. 

Học sinh trong giờ học gấp quần áo



Làm bằng nội lực

Cuối tuần qua, Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh TPHCM) rộn rã tiếng cười nói của 148 học sinh khối 5 khi tham gia sân chơi “Rèn luyện kỹ năng sống”, một trong những hoạt động tổ chức thường niên vào cuối học kỳ 1 của nhà trường. Phát biểu tại ngày hội, cô Cao Thị Xuân Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngay khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch, trường đã xác định rõ mục tiêu cần thực hiện là trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp lứa tuổi như biết làm chủ bản thân, ứng phó tình huống khó khăn trong cuộc sống, rèn luyện cách sống có trách nhiệm, suy nghĩ tích cực, tự quyết định và lựa chọn hành vi đúng đắn. Từ những mục tiêu đó, đơn vị đã thiết kế sân chơi thành nhiều trạm rèn luyện khác nhau như xếp đồ - phơi đồ, thắt dây cột giày, bao tập, sách vở, thoát hiểm khi hỏa hoạn, sơ cứu đơn giản, đoàn kết, bảo vệ sức khỏe và tự nhận thức.

Theo đó, các giáo viên tận dụng 7 phòng học sẵn có làm thành các trạm. Học sinh chia thành nhiều nhóm, nhóm này học xong di chuyển qua trạm khác để lại phòng học cho nhóm kia. Cách làm này, theo nhận xét của một chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận 3, sẽ giúp phát huy tính chủ động, linh hoạt của học sinh, vừa không đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất, vừa giúp các em có cơ hội giao lưu, học hỏi. Điều đáng ghi nhận là toàn bộ giáo viên huấn luyện tại các trạm đều là cán bộ, công nhân viên trong trường, không phải hợp đồng thuê, mướn nhân lực từ bên ngoài như cách làm của nhiều đơn vị khác.

Lý giải điều này, ông Trần Anh Kiệt, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, cho biết từ trước đến nay, việc đào tạo kỹ năng sống thường do các công ty du lịch đảm trách. “Họ không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhưng làm rất tốt. Vậy vì sao chúng ta, những người trong ngành với lợi thế hiểu học sinh của mình hơn lại không tự làm để tiết kiệm chi phí?”, ông Kiệt đặt câu hỏi. Nhận thức được điều đó, nhiều đơn vị đã quyết tâm làm bằng chính nội lực của mình, từ sự nhiệt tình và đóng góp của các thầy cô giáo. Đơn cử như cách làm của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), dù diện tích cơ sở còn hạn hẹp nhưng ban giám hiệu đã khéo léo tận dụng hơn 400m2 sân thượng ở tầng 4 làm vườn rau sạch cho học sinh. Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng, cho biết vườn rau do chính các em học sinh dưới sự hướng dẫn của các cô bảo mẫu tự tay xới đất, gieo trồng và chăm bón. Thông qua hoạt động này, học sinh vừa được giáo dục kiến thức về thiên nhiên, vừa rèn tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động do mình và người khác làm ra. Chị Hồng Nga, phụ huynh có con đang học tại đây, cho biết: “So với số tiền tôi bỏ ra cho các cháu về quê hoặc tham dự các khóa kỹ năng sống vào mỗi dịp hè, rõ ràng cách học cây nhà lá vườn này vừa không tốn nhiều chi phí, vừa giúp các cháu gắn bó hơn với trường lớp”.  
   
 Cần khung chương trình thống nhất

Không thể phủ nhận nỗ lực của các trường trong việc đưa kỹ năng sống vào các giờ lên lớp cho học sinh. Tuy nhiên, theo cô Phạm Thị Thùy Trang, Phó phòng GD-ĐT quận 2, để làm tốt hoạt động này, giáo viên trước hết phải làm gương. “Chúng ta dạy học sinh kỹ năng kiềm chế cảm xúc, nhưng bản thân giáo viên lại thường xuyên la mắng các em; dạy học sinh tính ngăn nắp, trật tự mà bàn làm việc của giáo viên lộn xộn; yêu cầu các em rèn kỹ năng tự phục vụ, trong khi trên lớp thì lại yêu cầu các em lấy cái này, dẹp cái kia cho cô giáo… sẽ tạo ra ảnh hưởng tâm lý không tốt cho học sinh”, cô Trang phân tích. Thêm vào đó, theo một cán bộ Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, hoạt động dạy và học kỹ năng sống không nên tách riêng thành một môn học mà nên lồng ghép vào các môn khoa học tự nhiên, xã hội khác, kết hợp với các giờ tổ chức sinh hoạt bán trú cho học sinh, giúp các em có thêm một số kỹ năng cơ bản như tự phục vụ, thắt dây giày, bao tập… Vì vậy, theo kiến nghị của nhiều đơn vị, Sở GD-ĐT nên có hướng dẫn xây dựng khung chương trình thống nhất cho từng khối lớp, tránh tình trạng có trường học sinh lớp 1, 2 đã học cách bao tập, nhưng có trường đến tận lớp 5 các em mới được hướng dẫn bao tập.

Ngoài ra, do hiện nay hoạt động theo kiểu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên đã xảy ra tình trạng phụ huynh tham dự giờ học kỹ năng sống của con, phát hiện con sử dụng dung dịch sát trùng vết thương chưa đúng cách. Hỏi ra mới biết vì sĩ số lớp đông, nhân viên y tế chỉ hướng dẫn cho vài bạn tiêu biểu, sau đó các bạn này về hướng dẫn lại cho các bạn trong nhóm, tổ của mình, nên chuyện “tam sao thất bản” là điều không tránh khỏi. Hoặc có trường khi tổ chức giờ học về thoát nạn khi hỏa hoạn không có đủ trang thiết bị cần thiết nên mọi thứ đều giả định, học sinh hoàn thành xong bài tập nhưng không biết lửa phát ra từ đâu, tính chất nguy hiểm và phòng tránh như thế nào, không khí diễn tập rộn rã tiếng cười vì  “lâu lâu cả lớp mới được bò”. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc tổ chức cho các trường tham quan, học tập kinh nghiệm, cơ quan chủ quản nên mở thêm nhiều sân chơi, các cuộc thi đấu để giáo viên và học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng, bổ sung thêm kiến thức, đưa kỹ năng sống trở thành một trong những hoạt động giảng dạy có chiều sâu, đem lại hiệu quả thực chất.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục