Để có những ca khúc hay

Đưa nét đẹp cuộc sống vào ca khúc

Người yêu nhạc vẫn xúc động mỗi lần nghe lại “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Xa khơi”, “Những ánh sao đêm”, “Gửi nắng cho em”, “Tình ta biển bạc đồng xanh” hoặc “Điệp khúc tình yêu”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Đêm thành phố đầy sao”… Những ca khúc quen thuộc ấy đã nói hộ tâm tư và khát vọng sống của bao người. Nghe những ca khúc hay thấy tâm hồn trong sáng hơn, cuộc sống đáng yêu hơn, tình người thắm thiết hơn... 

Hiện nay, phần lớn nhạc trẻ Việt mất dần bản sắc bởi không phản ánh được thành quả cuộc sống đang đổi mới, chưa bắt nhịp cùng ước mơ chung của giới trẻ. Nhạc trẻ hiện nay đang phân hóa ngay trong lòng nó, trong nhóm đối tượng thưởng thức nó. Nhiều fan nhạc trẻ đã thừa nhận rằng: họ phải tìm nghe lại những bài hát giàu tình cảm gia đình, thầy cô, bạn bè, quê hương … để giữ được sự hồn nhiên phù hợp lứa tuổi. Họ phải tìm đến dòng nhạc lãng mạn bán cổ điển để biết tình yêu đẹp luôn gắn liền tính nhân văn, hướng tới tương lai.

Nhu cầu thưởng thức âm nhạc không giảm, nhưng vì thiếu ca khúc hay nên sân khấu ca nhạc chưa khởi sắc. Các sản phẩm băng đĩa nhạc, kể cả chương trình ca nhạc trên truyền hình cũng không còn thu hút khán giả, trừ một vài chương trình chọn lọc.

Biểu hiện ấy còn cho thấy, mặt bằng âm nhạc đại chúng đang phải trả giá đắt cho sự dễ dãi, dẫn tới khủng hoảng thừa bởi sự lạm phát sáng tác. Người nghe đang chờ đợi những ca khúc hay khái quát được đời sống lạc quan tươi vui, động viên nhau vượt qua khó khăn gian khổ, như một thời chưa xa đã từng có loạt những ca khúc để đời về thanh niên xung phong và bộ đội tình nguyện giúp nước bạn.

Cuộc sống hiện nay không thiếu những cảm xúc và ước vọng vươn tới sự hài hòa chân - thiện - mỹ. Hãy khơi nguồn sáng tạo từ kho tàng dân ca vô tận, tinh lọc chất liệu hiện đại chứ không rập khuôn, ca ngợi những biểu tượng đẹp biết dâng hiến cái tôi cho cộng đồng, các tấm gương sống vì mọi người. Cần thi vị hóa những chuyện đời thường hướng thiện, đưa nét đẹp cuộc sống vào ca khúc.

Nguyễn Bình (Q.9 – TPHCM)

  • Định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ

Trong hoạt động âm nhạc hiện nay thì giới trẻ luôn chiếm đa số và đa phần các ca khúc “chưa được hay” cũng do các nhạc sĩ trẻ, các ca sĩ tự sáng tác và chỉ thịnh hành trong giới trẻ. Phải chăng ngày nay giới trẻ dễ dãi trong việc thưởng thức và thẩm định một ca khúc?

Một ca khúc hay thực sự đòi hỏi sự hòa hợp giữa giai điệu đẹp và ca từ ý nghĩa. Thế nhưng hiện nay có rất nhiều ca khúc mang giai điệu na ná như những bài hát đang và đã từng thịnh hành ở nước ngoài với ca từ sáo rỗng, đôi khi rất ngô nghê (theo kiểu bán hết nhà cao, xe máy đi bộ luôn…).

Định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ là điều hết sức cần thiết để họ có cách nhìn, quan điểm đúng đắn về cái đẹp và có ý nghĩa. Một khi người nghe có được sự thẩm định đúng đắn thì các nhạc sĩ cũng phải lao động nghiêm túc, trau chuốt kỹ lưỡng, chứ không thể cẩu thả trong quá trình sáng tác của mình.

Phúc Thanh

  • Không cung làm gì có cầu?!

Chúng ta phải nhìn nhận là bên cạnh những ca khúc hay, khán thính giả còn “bị” thưởng thức những ca khúc dở. Dở ở đây là quá… tệ! Đứng ở góc độ người thưởng thức, chúng tôi không đòi hỏi phải có những ca khúc hay một cách tuyệt vời, vượt thời gian, mà hay ở đây có nghĩa là “sạch” về ca từ và đẹp trong giai điệu.

Muốn có ca từ sạch phải loại bỏ những “hạt sạn” trong những ca khúc từ khâu thẩm định, quản lý, đến khâu phổ biến... Và trách nhiệm này không ai khác hơn là của các cơ quan chức năng, các nhà đài, các sân khấu, tụ điểm ca nhạc, các trung tâm sản xuất băng đĩa xuất bản và phổ biến ca khúc âm nhạc!

Sở dĩ những hạt sạn trong nhiều ca khúc được biểu diễn trên sân khấu hoặc băng đĩa là do chúng ta quá dễ dãi, buông lỏng với nhiều lý do. Nhưng theo tôi, dù gì đi nữa cũng không nên để những ca khúc loại này làm “ô nhiễm” môi trường âm nhạc của chúng ta!

Ca khúc hay dở là chuyện bình thường, điều quan trọng là dở nhưng phải “sạch”, đừng  làm… phiền lòng người nghe!

Không cung thì làm gì có cầu?!

Nguyễn Đắc Nghĩa
(Cần Giờ - TPHCM)

Tin cùng chuyên mục