Đưa rước học sinh vùng lũ đến trường

Nước lũ ở các vùng đầu nguồn ĐBSCL đang lên cao, gây ngập nhiều nơi khiến việc đi lại và học hành của học sinh bị ảnh hưởng. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em vùng lũ, các ngành chức năng ở An Giang, Đồng Tháp… đã tổ chức đưa rước học sinh đến trường. 
Học sinh vùng lũ đầu nguồn An Phú (An Giang) được đưa rước đến trường miễn phí
Học sinh vùng lũ đầu nguồn An Phú (An Giang) được đưa rước đến trường miễn phí

Những ngày này, ở các xã như Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Phú Hữu… thuộc huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) nhiều cánh đồng chìm trong biển nước; lũ còn ngập nhiều tuyến đường làm cho việc đi lại khó khăn. 

Theo các ngành chức năng huyện An Phú, hiện tại mực nước lũ ở các xã đã cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1m. Dù trường học chưa bị ngập do được đầu tư tôn nền khá cao, nhưng hàng loạt con đường nông thôn đã chìm trong lũ, gây khó khăn cho giáo viên và học sinh đi lại. Để đảm bảo việc dạy và học diễn ra bình thường, UBND huyện An Phú yêu cầu các ngành chức năng triển khai nhiều phương án ứng phó.

Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết: “Huyện An Phú đã chủ động ứng phó với lũ, trong đó có việc xây dựng phương án đảm bảo thời gian học tập và an toàn tính mạng học sinh vùng lũ, nhất là bậc mầm non, tiểu học. UBND huyện yêu cầu ngành giáo dục, chính quyền các xã, hội khuyến học, các đoàn thể… cùng phối hợp, nhằm tổ chức đưa rước học sinh đến trường trong suốt mùa lũ. 

Bước đầu các xã lên kế hoạch đưa rước khoảng 1.000 học sinh ở 13 điểm trường bị ảnh hưởng lũ. Huyện hỗ trợ nhiên liệu, áo phao; ngành chức năng huy động vỏ lãi, ghe tàu… đảm bảo đi lại thuận lợi cho học sinh”.

Ông Nguyễn Văn Hội (xã Phú Hội, huyện An Phú) tâm sự: “Mỗi ngày cứ sáng sớm là tôi chạy xe ba bánh đến nhà của học sinh để đón các em đến trường. Bình quân chạy khoảng 20 lần/ngày, đưa rước miễn phí gần 200 học sinh trong xã đến trường an toàn…”.

Theo Phòng GD-ĐT huyện An Phú, việc đưa rước học sinh vùng lũ được địa phương áp dụng đa dạng. Nơi nào đường sá bị ngập sâu thì tổ chức đưa rước bằng ghe, vỏ lãi; nơi nào ít ngập hoặc không bị ngập thì đưa bằng xe… Vấn đề là đảm bảo việc học cho các em đúng giờ và an toàn. 

Thầy Hà Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông, bộc bạch: “Điểm trường này cứ vào mùa lũ là có hàng trăm học sinh phải đi đò dọc đến lớp. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo huyện và sự nhiệt tình của các mạnh thường quân… nên những ngày qua, tại trường đã tổ chức được 5 tuyến đưa rước khoảng 155 học sinh đến trường an toàn”. Cùng với việc đưa đón học sinh đến trường, huyện An Phú còn tổ chức 7 điểm giữ trẻ mùa lũ với hơn 278 cháu…

Tại Đồng Tháp, nước lũ lên cao gây ngập nhiều tuyến đường. Cụ thể, ở 2 ấp Giồng Duối và Giồng Bàng, thuộc 2 xã Thường Phước 1 và Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự) bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Lãnh đạo UBND huyện Hồng Ngự yêu cầu địa phương bố trí phương tiện đưa rước các em đến trường 3 buổi/ngày (sáng, trưa, chiều) an toàn trong suốt mùa lũ.

Ở huyện Tân Hồng cũng có 14 học sinh cần đưa rước; trong khi huyện Tam Nông do lũ lên nhanh nên 124 học sinh các cấp ở xã Phú Thành B và 27 học sinh tiểu học ở xã Hòa Bình phải đến trường bằng phương tiện đường thủy… 

Tin cùng chuyên mục