Đưa sách đến với người dân

Theo thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam, hiện nay, sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. 
Chiều 17-5, phòng đọc sách Thư viện quận 1 vắng vẻ, không có người đọc Ảnh: THANH HẢI
Chiều 17-5, phòng đọc sách Thư viện quận 1 vắng vẻ, không có người đọc Ảnh: THANH HẢI
Nếu không tính 2 loại sách học sinh - sinh viên bắt buộc phải đọc này, số còn lại chia đều trên số dân thì bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc khoảng 1 quyển sách mỗi năm. Báo SGGP trích giới thiệu một số ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
Khảo sát nhu cầu đọc để định hướng
Con số thống kê mỗi người Việt Nam đọc 1 quyển sách mỗi năm chỉ thể hiện sự bình quân. Giả sử có tình trạng trong 10 người, có 1  người đọc cả 10 cuốn, còn 9 người kia không đọc cuốn nào, thì số người đọc sách thực ra không nhiều. Những người làm xuất bản hoặc các cơ quan quản lý văn hóa nên có những cuộc khảo sát, điều tra xã hội học nghiêm túc về việc đọc sách của người Việt Nam. Qua đó, có những cách thức tác động phù hợp để khắc phục những mặt chưa tốt, chưa hay và phát huy hơn nữa những mặt tích cực, cũng như có những biện pháp điều chỉnh, quản lý thỏa đáng.
Dù có khảo sát hay không, vẫn nên quan tâm việc học sinh, sinh viên, thanh niên có thường đọc sách không, họ thường đọc loại sách gì và đọc để làm gì. Đây là lực lượng năng động, có trình độ, sẽ là chủ nhân tương lai của xã hội, của đất nước, nên việc đọc sách nói riêng và trang bị kiến thức nói chung của họ là điều rất đáng chú ý. Cũng cần quan tâm việc đọc sách của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước. Đây là những người có trình độ học vấn cao, có tác động trực tiếp đến chính sách, đến các quyết định ảnh hưởng đến xã hội, có tiếp xúc đến người dân…, nên tri thức, nhận thức, kỹ năng, thái độ của họ (chứ không chỉ là trình độ học vấn) đều có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân cũng như chất lượng quản lý, điều hành địa phương, đất nước. Biết được những loại sách đang bán chạy trên thị trường là một chỉ dấu cho thấy sự quan tâm của công chúng vào một thời điểm nhất định và sự quan tâm đó hẳn nhiên biểu thị một thực trạng xã hội nào đó. Việc đọc sách có thể mang một thông điệp nào đó ở một thời điểm cụ thể nào đó; chẳng hạn, nếu như có nhiều người say sưa đọc truyện ngôn tình, tiểu thuyết kiếm hiệp, vậy thì nguyên nhân là gì, có thể gây ra tác hại gì không? Nên có khảo sát nhu cầu đọc để định hướng.
NGUYỄN MINH HẢI (quận 3, TPHCM)
Nên xã hội hóa thư viện quận, huyện
Hệ thống thư viện cấp quận, huyện là thiết chế văn hóa cơ sở, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sách báo đến với người dân, đáp ứng nhu cầu mở mang kiến thức, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Hiện nay, cả 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM đều có thư viện để phục vụ nhu cầu đọc của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng người đến thư viện quận, huyện đọc sách không nhiều và ngày càng có dấu hiệu giảm, đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ 0,057% dân số, tương đương con số 564.133 người trên cả nước. Ở TPHCM, nơi thị trường xuất bản sôi động và mạng lưới nhà sách rộng khắp, số lượng người đến với thư viện công cộng vẫn ngày càng giảm nhanh. Số lượng người đọc thấp đã khiến các thư viện công cộng, nhất là thư viện quận, huyện, chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong định hướng và tạo thói quen đọc lành mạnh cho người dân. Vì không mang lại nguồn thu như các hoạt động khác, nên thiết chế thư viện ít được các địa phương quan tâm phát triển, dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn sách ít ỏi. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí như điện ảnh, truyền hình, game điện tử… cũng khiến một bộ phận nhân dân xa rời văn hóa đọc trong. 
Xã hội hóa thư viện quận, huyện được xem là giải pháp phù hợp để thư viện có thể phát huy tính tự chủ, phát triển và thu hút bạn đọc. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thư viện, trong đó nhấn mạnh công tác xã hội hóa thư viện. Tiếp tục tổ chức, duy trì, phát triển các mô hình “thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng”, “tủ sách dòng họ”, “tủ sách gia đình”; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ, đầu tư nguồn lực và tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về vốn sách báo, trang thiết bị để hiện đại hóa thư viện.
Việc đọc sách có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng con người tri thức và có nhân cách đẹp. Vì vậy tiếp tục đầu tư phát triển và tìm hướng đi mới cho hệ thống thư viện là việc làm cần thiết và có ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục